Người đệ tử Phật luôn vận dụng tinh thần phương tiện tùy duyên để ứng xử linh hoạt trong mọi chuyện, sao cho trong ấm ngoài êm, âm dương đều được lợi ích - Ảnh: Bảo Toàn/BGN |
GNO - Mẹ tôi vừa mất gần đây. Các chị em tôi đều muốn làm lễ cầu siêu đúng chung thất (ngày thứ 49) cho mẹ.
Tuy nhiên, bố tôi lại kiên quyết theo phong tục ở quê làm 100 ngày cho mẹ, (vì theo bố phong tục ở quê không làm 49 ngày mà làm 100 ngày). Theo đó, bố sẽ làm lễ cắt tang và hóa đồ tang của mẹ tôi luôn trong ngày này.
Tôi rất buồn và lo lắng việc bố làm như vậy sẽ khiến vong linh của mẹ không được siêu thoát.
Tôi muốn hỏi ý kiến của quý Báo, theo quan điểm Phật giáo thì bố tôi làm vậy có hợp lý không? Liệu có ảnh hưởng gì tới vong linh của mẹ không?
(HẰNG LƯƠNG, luongthihang…@gmail.com)
Bạn Hằng Lương thân mến!
Theo quan điểm của Phật giáo, việc một người chết có siêu thoát (sinh về cõi lành) hay không hoàn toàn tùy thuộc vào hạnh nghiệp người ấy đã làm khi còn sống. Nếu lúc sinh tiền người ấy tạo ba nghiệp thân khẩu ý bất thiện cộng với không làm được phước đức nào thì sau khi chết chắc chắn bị đọa lạc. Ngược lại, lúc còn sinh tiền tạo ba nghiệp thân khẩu ý thiện, siêng năng vun bồi phước đức thì khi chết đi chắc chắn sinh về cõi lành.
Việc thân nhân lo cầu siêu, làm phước hồi hướng cho người thân sau khi họ mất đi chỉ có tác dụng trợ thêm duyên lành cho người chết mà thôi. Đã xác định là trợ duyên, vun bồi thêm phước duyên thiện lành cho người chết, nên việc cầu cúng của thân nhân chỉ mang tính thứ yếu. Còn tác nhân chính yếu để tái sinh về đâu là do hạnh nghiệp của người chết đã tạo khi sinh tiền quyết định. Điều này đúng theo quy luật Nhân quả-Nghiệp báo vốn rất minh bạch, rõ ràng.
Phật giáo Nam tông xác định một người sau khi chết ngay lập tức tái sinh vào lục đạo (trời, người, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục) tùy theo hạnh nghiệp (thiện, ác) của mình. Phật giáo Bắc tông cũng xác định tương tự, chỉ có chút khác biệt là đa phần người chết theo nghiệp tái sinh vào “cõi trung gian”, trải qua tối đa là 7 thất (49 ngày) rồi mới chính thức xác định cảnh giới tái sinh trong lục đạo.
Cần lưu ý chữ “tối đa”, nghĩa là tùy theo hạnh nghiệp, nhân quả của mỗi người mà có thể tái sinh vào tuần 1, tuần 2, hay đến tuần 7 chung thất (49 ngày). Do đó, nếu thân nhân có lòng hiếu đạo với người đã khuất, muốn cầu siêu làm phước để hồi hướng cho người chết thì nên làm càng sớm càng tốt. Giả như vào tuần 2 người chết đã tái sinh thì việc cầu cúng to lớn trọng thể vào tuần 7 là đã trễ. Bởi khi đã tái sinh, thân nhân làm phước hồi hướng cho người chết cũng tốt nhưng không tốt bằng trước đó, lúc chưa xác định cảnh giới tái sinh. Ví như, lúc tòa chưa tuyên án thì có thể lo tìm luật sư bào chữa, minh oan còn lúc tòa đã tuyên án rồi thì thân quyến chỉ còn thăm nuôi mà thôi.
Trở lại vấn đề của bạn, sau khi đã hiểu về nhân quả, nghiệp báo và quá trình tái sinh tối đa trong 49 ngày rồi, thì gia đình bạn nên làm lễ cầu siêu, tạo phước hồi hướng cho mẹ càng sớm càng tốt, không nhất thiết phải đợi đến chung thất 49 ngày. Còn việc bố của bạn muốn làm lễ bách nhật (cúng 100 ngày) cho mẹ theo phong tục ở quê thì con cái hãy tùy thuận. Bạn và các anh chị em hãy tổ chức cầu siêu, cúng dường để hồi hướng phước báo cho mẹ trước để mẹ có chút hành trang mà tái sinh. Đây mới là việc làm có ý nghĩa nhất cho người chết. Còn sau đó, các tuần kế tiếp sau (tuần 6, tuần 7 hay bách nhật-100 ngày xả tang theo ý của bố) thì cứ tùy duyên cúng cấp.
Khi bạn đã hiểu ra vấn đề thì không nên quá lo lắng về việc cúng cầu siêu đúng ngày 49 hay không. Mặt khác, với phong tục quê hương xứ sở cũng nên linh động tùy duyên tùy thuận để không gây bất đồng hay xáo trộn. Người đệ tử Phật luôn vận dụng tinh thần phương tiện tùy duyên để ứng xử linh hoạt trong mọi chuyện, sao cho trong ấm ngoài êm, âm dương đều được lợi ích.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN BÁO GIÁC NGỘ ([email protected])
Tin cùng chuyên mục
Tin mới
Thừa Thiên Huế: Tổ chức cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại tổ đình Từ Đàm
GNO - Chiều ngày 22-8, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức họp báo về kế hoạch tổ chức Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024 diễn ra vào ngày 30 và 31-8 tại tổ đình Từ Đàm (P.Trường An, TP.Huế).
Mẹ
GNO - Lúc còn nhỏ - vì quá nhỏ, tôi chẳng nhớ gì, chỉ nghe người thân ở nhà kể lại, mẹ nuôi tôi cực lắm. Tôi không chịu uống sữa, lại còn kén ăn. Nhà nghèo, nhưng nghe ai bày ăn món gì, mẹ cũng cố gắng làm cho tôi ăn đổi món.
Lễ húy nhật Ni trưởng Thích nữ Như Thọ, viện chủ chùa Vô Ưu (Q.Tân Bình)
GNO - Sáng 22-8, Ni chúng và môn đồ pháp quyến đã thành kính tổ chức Lễ húy nhật lần thứ 12 cố Ni trưởng Thích nữ Như Thọ, viện chủ chùa Vô Ưu (số 55/26 Thành Mỹ, P.8, Q.Tân Bình, TP.HCM).
Các tự viện tặng quà từ thiện đến học sinh, những người có hoàn cảnh khó khăn
GNO - Nhân mùa Vu lan - Báo hiếu, nhiều hoạt động từ thiện được các Ban Trị sự tỉnh, thành, các địa phương tổ chức trao đến người có hoàn cảnh khó khăn nhằm chia sẻ phần nào vất vả mưu sinh của họ.
Đức Pháp chủ giáo giới cho chư Ni, Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm và Ban Trị sự tỉnh Ninh Thuận
GNO - Sáng nay, 22-8, sau mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2568, Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư, Phân ban Ni giới TP.HCM; chư Tăng đại diện Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Thuận đã đến chùa Huê Nghiêm - TP.Thủ Đức, khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng.