Cây bồ công anh có tác dụng gì và cách nấu nước lá để dùng • Hello Bacsi

Bài viết này đề cập đến tác dụng của bồ công anh, cách nấu nước để dùng và những lưu ý để sử dụng loài cây này an toàn, hiệu quả.

Cây bồ công anh là loài thực vật khá gần gũi vì mọc ở khắp nơi nhưng nhiều người chỉ nghĩ đây là giống cỏ dại ven đường. Họ không biết cả rễ, thân, lá và hoa bồ công anh là nguyên liệu trong những bài thuốc cổ phương để giải quyết nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn về tác dụng của cây bồ công anh. 

Bồ công anh có tên khoa học là Lactuca indica L, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như rau bồ cóc, diếp dại, diếp hoang, mũi mác, mót mét, diếp trời, rau mũi cày. Mời bạn cùng điểm qua các loại bồ công anh, cũng như những tác dụng tuyệt vời mà loài thực vật này mang lại nhé!

Cây bồ công anh có mấy loại

Phân loại bồ công anh

​Một số loại thường gặp ở Việt Nam: bồ công anh màu vàng, màu trắng, màu tím. Ngoài ra còn các loại khác như: Bồ công anh Trung Quốc, cây Chỉ thiên và các tên gọi khác.

1. Cây bồ công anh Việt Nam

  • Tên khoa học là Lactuca indica L, thuộc họ cúc (Asteraceae), chi rau riếp (Lactuca).
  • Tên gọi khác gồm diếp hoang, diếp trời, diếp dại, cây rau bồ cóc, múi mác, rau mũi cày…
  • Mọc hoang phổ biến ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ hoặc những khu vực có đất đai ẩm ướt, vườn, ven đường hoặc các bãi sông. 

Loại này thân cao tầm 60 đến 100cm, lá hình mũi mác, lá mỏng nhăn nheo, gần như không có cuống, mặt trên lá có màu nâu sẫm, mặt dưới màu nâu nhạt, mép lá có răng cưa thưa. Thân cây thẳng, đường kính 0,2cm, có mấu mang lá, thường thu hoạch vào tháng 5–7, bộ phận được dùng chủ yếu là lá và cành.

2. Cây bồ công anh Trung Quốc

  • Tên khoa học của nó là Taraxacum officianle, cũng thuộc họ Cúc (Asteraceae), chi Taraxacum G. H. Weber ex Wigg
  • Trong dân gian còn gọi là loại bồ công anh lùn
  • Thường mọc hoang nhiều và có trồng ở một vài nơi ở nước ta
  • Được các nhà khoa học nghiên cứu chứng minh có tác dụng chữa bệnh, rất tốt cho sức khỏe.

Đặc điểm nhận biết cây hoa bồ công anh lùn:

  • Thân rất ngắn, chỉ dao động từ 40 đến 60cm,
  • Lá cây mọc trực tiếp từ rễ lên, lá đơn, mọc chụm ở gốc thành hình hoa thị, lá có màu xanh lục, mặt trên đậm hơn mặt dưới, các lá mọc bên ngoài thì cong xuống còn lá mọc ở giữa thì mọc thẳng lên, lá dài tầm 15–30cm, rộng 4–6cm, cuống lá dẹp, mặt trên phẳng mặt, mép lá có xé răng cưa to nhỏ khác nhau giống như bị xé rách.
  • Rễ cây hình trụ, mọc đâm thẳng xuống đất,
  • Hoa mọc ở trên cùng, có màu vàng, khi hoa già thì thu lấy hạt.
  • Quả màu nâu đen, có hình bầu dục thuôn hẹp, dài 0,3 đến 0,4 cm.

Tất cả các bộ phận của cây đều dùng làm thuốc chữa bệnh như rễ, lá, thân và hoa.

3. Cây chỉ thiên

Loại cây này cũng được gọi là cây bồ công anh

  • Tên khoa học là Elephantopus scarber L, thuộc họ Cúc (Asteraceae).
  • Không có tác dụng chữa bệnh.
  • Tên khác là cây thổi lửa, cây cỏ lưỡi chó, cỏ lưỡi mèo, dân tộc Thái gọi là co tát nai, dân tộc Tày gọi là nhả đản, nhiều thầy lang thì gọi là thiền hồ nam, theo một số sách Trung Quốc thì gọi đây là cây thiên giới tháu, suy hỏa căn hoặc khổ địa đàm…
  • Cây thường phân bố và mọc nhiều ở các tỉnh phía Nam.

Mặc dù cả 3 loại trên đều có thể sử dụng làm rau, làm trà hoặc cây thuốc nhưng do dược tính của mỗi loại khác nhau nên người bệnh cần thận trọng khi sử dụng. Lưu ý chỉ nên dùng loại bồ công anh lùn đã được khoa học nghiên cứu và chứng minh, vừa tốt cho sức khỏe lại vừa giúp điều trị bệnh rất hiệu quả.

10 tác dụng chữa bệnh của cây bồ công anh

Loại bồ công anh được chứng minh là có tác dụng chữa bệnh là bồ công anh Trung Quốc, hay bồ công anh lùn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng bồ công anh có thành phần dinh dưỡng nhiều hơn hẳn so với nhiều loại rau khác. Các loại vitamin và chất khoáng như: natri, magie, sắt, vitamin A, vitamin B, vitamin C, tinh bột, chất béo đều có trong loại thực vật này.

Vậy, cây bồ công anh có tác dụng gì? Dưới đây là một số tác dụng của cây bồ công anh mà bạn nên biết:

1. Tác dụng bảo vệ xương

Canxi là yếu tố quan trọng cấu thành nên xương và răng, đồng thời tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh, đông máu, điều hòa hormone và co thắt cơ. Bồ công anh có thể đáp ứng 10% nhu cầu canxi khuyến nghị trong ngày. 

Ngoài canxi, bồ công anh còn sở hữu nhiều chất chống oxy hóa, điển hình là vitamin C và luteolin. Do vậy, việc uống trà hay ăn lá bồ công anh có thể giúp:

  • Bảo vệ xương khỏi tác hại của gốc tự do
  • Ngăn ngừa sâu răng
  • Ngăn ngừa chứng co thắt cơ
  • Phòng chống cao huyết áp
  • Phòng thiếu hụt canxi.

2. Bồ công anh có tác dụng gì? Cung cấp vitamin K

Bồ công anh cung cấp khoảng 500% giá trị vitamin K hằng ngày cho cơ thể, ngăn ngừa việc thiếu hụt vitamin K. Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong việc:

  • Duy trì sức khỏe xương khớp và tim mạch
  • Chống đông máu
  • Đảm bảo chức năng của não bộ
  • Thúc đẩy hoạt động trao đổi chất.
  • Cải thiện sức khỏe xương khớp và giảm nguy cơ gãy xương, đặc biệt với đối tượng là phụ nữ hậu mãn kinh và bị loãng xương.
  • Có đặc tính trong điều trị ung thư, các nhà khoa học nhận thấy việc bổ sung vitamin K giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, dạ dày, kết tràng, mũi và miệng. Theo đó, một nghiên cứu được tiến hành với hơn 7.000 đối tượng tham gia vào năm 2014 cho thấy vitamin K giúp hạn chế đáng kể nguy cơ ung thư và tử vong do các bệnh lý tim mạch.

3. Cây bồ công anh giúp thanh lọc gan

Bồ công anh giúp lọc gan và giúp gan hoạt động hiệu quả. Gan có chức năng:

  • Sản xuất mật giúp enzyme phân tách chất béo trong cơ thể thành axit béo
  • Lọc và giải độc máu
  • Phân tách và dự trữ axit amino, tổng hợp và chuyển hóa cholesterol và chất béo, dự trữ glucozo, giữ cho các cơ quan bên trong hoạt động đúng.

Bên cạnh đó, bồ công anh giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt do khả năng duy trì lượng mật phù hợp. Bồ công anh giúp bổ sung vitamin C, giảm sưng, hấp thụ chất khoáng tốt hơn và ngăn ngừa phát triển các loại bệnh.

4. Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Bồ công anh giúp kiểm soát đường huyết

Trà bồ công anh giúp kích thích quá trình sản sinh insulin trong tụy, ổn định đường huyết.

5. Bồ công anh có tác dụng gì? Chống nhiễm trùng da

Phần sáp lỏng xuất hiện khi bạn chạm vào thân của cây bồ công anh được chứng minh là có tác dụng sát trùng, trừ sâu và diệt nấm, loại bỏ vi khuẩn trên làn da.

Ngoài ra, bạn có thể dùng sáp bồ công anh để giảm ngứa hay kích thích do chàm, bệnh ecpet mảng tròn, vảy nến và nhiễm trùng da.

6. Giàu chất chống oxy hóa

Một trong những tác dụng của bồ công anh là chứa nhiều chất chống oxy hóa. Nhờ đó, bồ công anh giúp cơ thể tránh tổn thương tế bào do gốc tự do.

Một nghiên cứu tiến hành vào năm 2011 của Đại học Windsor Canada cho thấy rễ bồ công anh giúp tiêu diệt các loại ung thư khác nhau do khả năng chống lại sự phá hủy gốc tự do.

7. Cung cấp nhiều chất xơ

Rau bồ công anh chứa nhiều chất xơ, giúp chống táo bón, kích thích tiêu hóa hiệu quả.

Ngoài ra, chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm nguy cơ béo phì, đau tim, tiểu đường, các loại ung thư, phòng ngừa bệnh tim, hội chứng ruột kích thích và sỏi thận. Một vài nghiên cứu cho thấy phụ nữ mãn kinh hay tiền kinh nguyệt có thể giảm các triệu chứng bằng cách ăn nhiều chất xơ.

8. Dồi dào nguồn vitamin A

Trà hoa bồ công anh rất giàu vitamin A

Một ly trà bồ công anh chứa 100% giá trị vitamin A hằng ngày, vì vậy bạn có thể ngừa lão hóa nhanh, viêm đường hô hấp hay cải thiện mắt bằng một ly trà hằng ngày.

9. Tác dụng của bồ công anh: Lợi tiểu

Rễ cây bồ công anh giúp lợi tiểu tự nhiên, thúc đẩy quá trình thải độc của gan. Ngoài ra, loại thực vật này còn giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, duy trì lượng đường trong máu ổn định, giảm ợ nóng và các vấn đề tiêu hóa khác.

Bồ công anh giúp giảm axit uric, lợi tiểu, chống nhiễm khuẩn tiêu hóa, có lợi cho cơ quan sinh sản.

10. Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu

Trà bồ công anh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu cũng như các chứng rối loạn bàng quang, các vấn đề ở thận và nang ở cơ quan sinh sản.

Cách chế biến với cây bồ công anh

Cách sử dụng thảo dược đúng cách và hiệu quả

Trong thực đơn hàng ngày, bồ công anh còn được dùng để làm rau thơm xắt nhuyễn hoặc nấu chín để giảm vị đắng. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều cách khác để thêm bồ công anh vào thực đơn hằng ngày của bạn như:

Nấu trà với rễ hoặc hoa bồ công anh

Một trong những cách nấu nước cây bồ công anh rất đơn giản là nấu cả cây như trà để thưởng thức. Bạn có thể thử các công thức sau:

Trà hoa bồ công anh

Hoa bồ công anh

Nguyên liệu

  • 8 bông hoa bồ công anh
  • 360 ml nước sôi
  • Mật ong hoặc đường tùy khẩu vị

Cách chế biến

  • Rót nước sôi ngập hoa và đậy kín khoảng 5 phút.
  • Thêm chút mật ong hoặc đường. Bạn nên ưu tiên sử dụng mật ong vì mật tốt cho sức khỏe hơn đường nhé.

Trà rễ cây bồ công anh

Rễ cây bồ công anh

Nguyên liệu 

  • 30g rễ bồ công anh khô
  • 5g gừng thái lát
  • 1 hạt thảo quả
  • 360 ml nước
  • Mật ong hoặc đường tùy khẩu vị

Cách chế biến

  • Trộn tất cả nguyên liệu trên (trừ đường hay mật ong) và đem đun sôi khoảng 5 – 10 phút.
  • Sau đó, bạn lọc lấy nước, thêm đường hoặc mật ong để uống.

Chỉ với công thức và cách nấu nước cây bồ công anh đơn giản như vậy là bạn sẽ có được những tách trà thơm ngon sẵn sàng để thưởng thức, rất phù hợp cho những buổi nói chuyện cùng bạn bè ngay tại nhà.

Nướng rễ bồ công anh làm nước uống

Bạn có thể nướng rễ cây để làm nước uống buổi sáng thay cà phê.

  • Sau khi rửa sạch, hãy xắt nhỏ phần rễ và nướng lên.
  • Ngâm trong nước sôi khoảng 10 phút trước khi uống.

Dùng bồ công anh làm nước sốt

Bạn có thể dùng cây bồ công anh kết hợp với ngò rí làm nước sốt cho các món ăn

Dùng làm nguyên liệu món salad

Bạn có thể thêm bồ công anh vào món rau trộn hoặc salad, kết hợp với bông cải xanh và các loại rau củ yêu thích khác.

Thêm vào một số món ăn khác

  • Lá cây này còn là sự lựa chọn khá thích hợp để kết hợp với hải sản và mì ống.
  • Hoa của cây dùng trang trí món ăn.
  • Với món cá hồi, bạn có thể xắt nhuyễn bồ công anh và trộn với cá.

Bồ công anh là loại thực vật mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bạn nên bổ sung loài cây này vào thực đơn hàng ngày nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Trần Thu Uyên

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0566.228.797)