Vỡ mạch máu não hay vỡ phình/túi phình mạch máu não là một tình trạng nguy hiểm. Vậy, vỡ mạch máu não sống được bao lâu? Khả năng người bệnh phục hồi như thế nào?
Lưu ý: Bài viết linh hoạt dùng “vỡ phình mạch máu não” và “vỡ mạch máu não” để gần gũi theo cách hiểu hoặc tìm kiếm thông tin của người dân.
Vỡ mạch máu não sống được bao lâu?
Vỡ phình mạch máu não (hay vỡ mạch máu não) sẽ dẫn đến đột quỵ xuất huyết não, gây ra khoảng 500.000 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm.
Người bệnh vỡ mạch máu não sống được bao lâu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ vỡ, tổn thương não, thời gian người bệnh được cấp cứu, vị trí của chứng vỡ phình mạch máu não, bị chảy bao nhiêu máu, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của người bệnh, liệu người bệnh có mắc bệnh lý thần kinh từ trước hay không, phương pháp can thiệp, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng… Người bệnh được cấp cứu sớm trong thời gian vàng, bị tổn thương não ở mức độ nhẹ hay được cấp cứu mổ bằng kỹ thuật hiện đại thường có khả năng phục hồi tốt và sống lâu hơn. (1)
Những trường hợp bị phình mạch máu não nhỏ, chưa vỡ và không gây ra triệu chứng gì nghiêm trọng thường sẽ được bác sĩ chỉ định theo dõi, tái khám định kỳ. Tình trạng này thường không tác động đến sức khỏe, người bệnh phình mạch máu não kích thước nhỏ vẫn có thể sống bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng phình mạch máu não có kích thước lớn, bị vỡ hoặc có nguy cơ vỡ cao thì cần được can thiệp kịp thời để nâng cao cơ hội được cứu sống. Tỷ lệ tử vong khi bị vỡ phình mạch máu não mà cấp cứu chậm trễ là khá cao.
Khoảng 50% người gặp chứng vỡ phình mạch máu não tử vong. Trong đó, ước tính khoảng 15% người bệnh vỡ phình mạch máu não tử vong trước khi đến cơ sở y tế. Khoảng 25% người bệnh bị vỡ phình mạch máu não tử vong trong vòng 24 giờ. Khoảng 50% người bệnh tử vong trong vòng 3 tháng sau khi bị vỡ phình mạch máu não do biến chứng gây ra. Trong số những người bệnh sống sót, có khoảng 66% người bệnh bị tổn thương não vĩnh viễn. Một số người bệnh hồi phục với ít hoặc không có di chứng. (2)
Tuy nhiên, nếu người bệnh được cấp cứu sớm và với những kỹ thuật cấp cứu hiện đại ngày nay, cơ hội sống sót và hồi phục tốt của người bệnh sẽ được nâng cao đáng kể.
Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sau vỡ mạch máu não
Chúng ta đã biết vỡ mạch máu não sống được bao lâu, vậy yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sau vỡ mạch máu não? Thời gian và khả năng hồi phục của người bị vỡ phình mạch máu não phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như thời gian cấp cứu, mức độ tổn thương ở não, phương pháp chữa trị… Sau khi tiến hành điều trị, những trường hợp nhẹ hoặc điều trị kịp thời, người bệnh có thể bình phục, đi lại sau điều trị một thời gian ngắn. Tuy nhiên trung bình, người bệnh thường mất khoảng 3 tháng đến vài năm để phục hồi hoàn toàn và chữa trị những biến chứng có thể xuất hiện. Thời gian phục hồi có thể thay đổi tùy vào từng trường hợp cụ thể. (3)
Khi người bệnh bị vỡ phình mạch máu não được cấp cứu kịp lúc, chữa trị đúng cách thì nguy cơ xảy ra biến chứng sẽ giảm, giúp tăng khả năng điều trị thành công, rút ngắn thời gian hồi phục. Thế nên, người bị vỡ phình mạch máu não cần được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu càng sớm càng tốt.
Sau điều trị vỡ mạch máu não cần lưu ý gì?
Bên cạnh câu hỏi vỡ mạch máu não sống được bao lâu, nhiều người bệnh cũng băn khoăn sau khi chữa bệnh vỡ mạch máu não cần lưu ý những gì. Dưới đây là một số vấn đề người bệnh và người chăm sóc cần lưu ý:
- Người bệnh vỡ phình mạch máu não cần tuân thủ thực hiện những phương pháp phục hồi chức năng vận động theo tư vấn của bác sĩ, kỹ thuật viên để đẩy nhanh quá trình hồi phục, cụ thể như sau:
- Thực hiện những bài tập phục hồi chức năng vận động, nhận thức, ví dụ như những động tác vận động, co duỗi tay chân 2 lần/ngày để các cơ không bị co cứng.
- Xoa bóp các chi, cơ cho người bệnh để làm giảm nguy cơ bị teo cơ, rút gân vì ít vận động.
- Nếu toàn thân của người bệnh bị liệt, người thân nên thường xuyên hỗ trợ người bệnh thay đổi tư thế ngồi, nằm nghiêng… để tránh nguy cơ bị lở loét tại vùng lưng.
- Đưa người bệnh đến cơ sở y tế tập vật lý trị liệu đúng lịch hẹn của bác sĩ.
- Hãy đảm bảo cơ thể người bệnh được vận động mỗi ngày.
- Giao tiếp với người bệnh thường xuyên cho dù người bệnh còn nhận thức hay không. Việc làm này giúp người bệnh được kết nối, hồi phục tốt hơn.
- Bệnh vỡ phình mạch máu não có nguy cơ tái phát. Thế nên người bệnh cần áp dụng những phương pháp ngăn ngừa nguy cơ tái phát, ví dụ như:
- Tránh để thân nhiệt của người bệnh bị thay đổi đột ngột. Người bệnh cần giữ gìn sức khỏe khi thời tiết chuyển lạnh, xuất hiện các đợt gió mùa, áp suất không khí tăng cao vào mùa hè.
- Người bệnh không nên tắm khuya, tiếp xúc với gió, đặc biệt là những người bị tăng huyết áp.
- Hạn chế stress, tránh xúc động mạnh, cố gắng giữ tinh thần ổn định.
- Chữa trị, kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan có thể gây vỡ phình mạch máu não, chẳng hạn như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, rối loạn nhịp tim…
- Không vận động quá mạnh như chạy nhanh, vác nặng, đá bóng…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ.
- Dự trữ những loại thuốc liên quan trong nhà theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ, nếu có, để kịp thời dùng khi cần.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau vỡ mạch máu não
Vỡ mạch máu não sống được bao lâu không phải là vấn đề duy nhất cần được quan tâm. Người bệnh vỡ phình mạch máu não và cả người thân nên lưu ý thêm các nguyên tắc khác để giúp kết quả điều trị, hồi phục được nâng cao. Trong đó, một lưu ý quan trọng là cần biết cách xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp sau khi chữa trị căn bệnh nguy hiểm này, cụ thể như sau:
- Người bệnh cần nạp từ 1,800 – 2,200 kcal/ngày hoặc tư vấn trực tiếp bác sĩ điều trị, bác sĩ dinh dưỡng.
- Bữa ăn hàng ngày nên được chia nhỏ, tránh để người bệnh ăn quá no vì có thể tác động đến hệ tiêu hóa, gây ra tình trạng nghẹt thở, khó thở.
- Bữa ăn nên bao gồm những thực phẩm giàu chất xơ, ví dụ như trái cây, rau củ. Món ăn nên được chế biến thanh đạm, hạn chế dùng nhiều gia vị, dầu mỡ.
- Bữa ăn của người bệnh cần được giảm lượng muối để tránh nguy cơ rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp. Đây đều là những tác nhân có thể gây vỡ phình mạch máu não.
- Chế biến những món ăn mềm, lỏng, dễ hấp thu để người bệnh tiêu hóa tốt hơn, ví dụ như cháo, các loại súp.
- Nếu có thể hãy để người bệnh tự dùng bữa và nhai nuốt chậm rãi. Người thân không nên thúc ép người bệnh khi ăn uống. Trường hợp người bệnh rơi vào hôn mê sâu, phải sống thực vật sẽ được truyền dưỡng chất qua ống theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc làm này nên được thực hiện chậm rãi, nhẹ nhàng để tránh khiến người bệnh gặp nguy hiểm.
Cách phòng ngừa nguy cơ vỡ mạch máu não
Ngoài việc tìm hiểu vỡ mạch máu não sống được bao lâu, mỗi người nên biết cách ngăn ngừa nguy cơ bị vỡ phình mạch máu não. Để phòng ngừa nguy cơ bị vỡ phình mạch máu não dẫn đến chứng đột quỵ xuất huyết não, mỗi người có thể tham khảo thực hiện các biện pháp dưới đây: (4)
- Hoạt động thể chất thường xuyên, tối thiểu từ 2 – 3 lần/tuần, tối thiểu 30 phút/lần. Việc làm này giúp cải thiện tuần hoàn máu, gia tăng sự lưu thông máu, hạn chế nguy cơ bị vỡ phình mạch máu não.
- Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế tiêu thụ muối, dùng món ăn chứa nhiều cholesterol, chất béo bão hòa. Mỗi người nên tăng cường ăn rau quả để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cần thiết. Bạn có thể chủ động bổ sung hoạt chất thiên nhiên từ việt quất (Blueberry) và bạch quả (Ginkgo Biloba) để hỗ trợ tăng cường dưỡng chất lên não, điều hòa máu não, cải thiện tình trạng thiếu máu não…
- Từ bỏ việc hút thuốc lá, hạn chế dùng rượu, bia. Cồn và thuốc lá có thể làm mạch máu tổn thương, gia tăng nguy cơ bị vỡ phình mạch máu não, đột quỵ.
- Mỗi người cần duy trì huyết áp ở mức ổn định. Theo dõi, kiểm soát huyết áp ổn định là yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn chứng tăng huyết áp – một trong những tác nhân chính dẫn đến đột quỵ.
- Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ 7 – 8 tiếng/đêm. Tình trạng thiếu ngủ, căng thẳng quá mức có thể khiến nguy cơ bị vỡ phình mạch máu não gia tăng.
- Mỗi người nên chủ động đến cơ sở y tế thăm khám, thực hiện kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc bệnh lý thần kinh. Việc làm này giúp phát hiện sớm các triệu chứng bất thường, kịp thời can thiệp để tránh gặp những biến chứng tiềm ẩn.
Trung tâm Khoa học Thần kinh, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là cơ sở y tế uy tín cung cấp dịch vụ tầm soát, khám, điều trị các bệnh lý thần kinh nói chung và bệnh phình mạch máu não nói riêng. Trung tâm đã cấp cứu thành công cho nhiều người bệnh bị vỡ phình mạch máu não, đột quỵ xuất huyết não, hạn chế tối đa biến chứng.
Trung tâm Khoa học Thần kinh quy tụ đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, được trang bị các máy móc hiện đại phục vụ tối ưu cho quá trình thăm khám, chữa trị các bệnh lý thần kinh nói chung và phình mạch máu não/vỡ phình mạch máu não nói riêng, ví dụ như máy chụp CT 768 và 1975 lát cắt, máy chụp MRI 1,5 – 3 tesla, hệ thống định vị thần kinh Neuro-Navigation AI thế hệ mới, kính vi phẫu thế hệ mới, robot mổ não AI Modus V Synaptive…
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Mong rằng bài viết này đã cung cấp câu trả lời đầy đủ nhất cho thắc mắc vỡ mạch máu não sống được bao lâu. Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ bị vỡ phình mạch máu não, người bệnh cần đến cơ sở y tế cấp cứu càng sớm càng tốt để được chữa trị kịp thời bằng các kỹ thuật hiện đại, hạn chế nguy cơ gặp biến chứng, phục hồi tốt và kéo dài thời tuổi thọ.