Từ lâu cỏ máu được rao bán tràn lan và quảng cáo là thần dược trên mạng xã hội. Vậy, cỏ máu là gì và uống có máu có tốt không?
Cỏ máu là gì?
Cây cỏ máu có những tên gọi khác như huyết đằng, kê huyết đằng, cây huyết rồng, đại hoàng đằng, hồng đăng... Tên khoa học của cây cỏ máu là Sargentodoxaceae, thuộc họ huyết đằng.
Cây cỏ máu thuộc dạng cây dây leo, kích thước lớn và thân gỗ. Thân cây dài lên đến 10 mét, đường kính thân 3-4 cm, hình trụ tròn hoặc hơi dẹt với lớp vỏ màu nâu nhạt và hơi thô ráp. Sở dĩ cây có tên là cây cỏ máu là vì khi cắt đôi thân cây sẽ thấy chảy ra nhựa màu đỏ tương tự như màu máu.
Phần lá cây cỏ máu dạng lá kép, gồm 3-9 lá chét hình trứng, mặt trên bóng nhẵn, màu xanh đậm còn mặt dưới màu nhạt hơn.
Hoa của cây cỏ máu đâm ra từ các nách lá, phần cuống nhỏ, phủ lông mịn bên ngoài, mọc thành chàng và có màu tím. Cây cỏ máu ra quả vào tháng 9 đến tháng 10 hàng năm, dạng quả đậu, hình trứng hoặc lưỡi liềm, dài 7cm, có lông nhung bao phủ và chứa 3-5 hạt.
Ngoài mọc phổ biến ở Việt Nam, cây cỏ máu còn phổ biến ở một số quốc gia như Trung Quốc hay Lào. Tại Việt Nam, cây cỏ máu được tìm thấy nhiều ở các vùng núi độ cao trên 850m, có thể mọc trong rừng hoặc ven bờ sông, bờ suối.
Uống cỏ máu có tốt không?
Theo thông tin trên Báo Sức khỏe & Đời sống, cỏ máu hay còn gọi là kê huyết đằng có vị đắng, chát, hơi ngọt, tính ẩm không độc, tác dụng bổ khí huyết, thông kinh lạc, mạnh gân xương, điều hòa kinh nguyệt, thường dùng trong những trường hợp sau:
Chữa thiếu máu, hư lao: kê huyết đằng 200-300g, tán nhỏ, ngâm với 1 lít rượu trong 7 -10 ngày. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 25ml. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như thục địa, đan sâm, hà thủ ô (liều lượng bằng nhau). Có thể dùng cao đặc cô từ nhựa, mỗi ngày uống 2 - 4g, pha với ít rượu.
Chữa tê thấp, nhức mỏi gân xương: kê huyết đằng 12g, cây mua núi 12g, rễ gối hạc 12g, rễ phòng kỷ 10g, vỏ thân ngũ gia bì chân chim 10g, dây đau xương 10g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, ngâm rượu uống. Ngày 50ml chia làm 2 lần.
Hoặc kê huyết đằng, độc hoạt, dây đau xương, thiên niên kiện, phòng kỷ, rễ bưởi bung, chân chim, gai tầm xọng, cỏ xước, xấu hổ, quế chi, núc nác, mỗi vị 4-6g, sắc hoặc nấu cao thêm đường uống.
Chữa đau dây thần kinh hông: kê huyết đằng 20g, ngưu tất 12g, hồng hoa 12g, đào nhân 12g, nghệ vàng 12g, nhọ nồi 10g, cam thảo 4g. Sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
Cỏ máu rất tốt cho sức khỏe và chỉ phát huy tác dụng khi được kết hợp trong các bài thuốc có chỉ định của các thầy thuốc. Việc nhiều chị em tự đun nước cỏ máu uống mà không có sự chỉ định của bác sĩ không hề tốt cho sức khỏe.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, uỷ viên BCH Hội Dược liệu TP.HCM trả lời trên Báo Tuổi trẻ: "Từ trước đến nay không có chuyện uống kê huyết đằng giúp tăng cân. Trong sách vở và trong thực tế cũng vậy. Người bệnh nên sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ, trong một vài trường hợp, vì cây có tính ấm nên khi sử dụng nhiều quá chúng ta sẽ có cảm giác khô họng và bị táo bón".
Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "Uống có máu có tốt không?". Các tác dụng của cỏ máu (huyết đằng) được chứng minh, nhưng các chuyên gia khuyến cáo người dân không tự ý uống nước cỏ máu khi chưa tham khảo ý kiến của các bác sĩ.
Vân Anh(Tổng hợp)