TOP 10 DẤU HIỆU ĐẬU THAI CÓ THỂ CÓ SAU CHUYỂN PHÔI - Bệnh Viện Nam Học Hiếm Muộn Việt-Bỉ

Một giai đoạn quan trọng và ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đó là giai đoạn sau chuyển phôi. Khoảng thời gian này là lúc các chị lo lắng và hy vọng nhiều nhất để biết được kết quả thành công hay không.

TOP 10 DẤU HIỆU ĐẬU THAI CÓ THỂ CÓ SAU CHUYỂN PHÔI

Một trong những giai đoạn quan trọng và ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là giai đoạn sau chuyển phôi. Khoảng thời gian này là lúc các chị lo lắng và hy vọng nhiều nhất để biết được kết quả thành công hay không. Bạn cũng thường cảm thấy băn khoăn và tự hỏi các dấu hiệu có thể có sau chuyển phôi là gì? Hãy cùng IVF VIỆT – BỈ tìm hiểu tại bài viết dưới đây bạn nhé.

Sau khi trải qua nhiều giai đoạn từ việc lấy noãn, giúp tinh trùng và noãn thụ tinh và tạo thành phôi. Giai đoạn quan trọng kế tiếp là đặt phôi vào giữa lòng tử cung. Khi đó, người vợ sẽ được hướng dẫn nằm ở tư thế phù hợp cho động tác chuyển phôi. Chuyên viên phôi học sẽ sử dụng một ống nhựa nhỏ (catheter) để hút phôi vào trong ống và trao cho Bác sĩ. Sau đó Bác sĩ đưa ống nhựa này vào trong lòng tử cung và đặt phôi nằm trong lòng tử cung. Khoảng 3-4 ngày sau đó phôi sẽ bám dính vào nội mạc tử cung để làm tổ. Sự làm tổ của phôi phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng phôi và nội mạc tử cung tại điểm tiếp xúc với phôi, ít phụ thuộc vào các yếu tố tác động bên ngoài tử cung.

10 dấu hiệu có thể có sau chuyển phôi

1. Chậm kinh nguyệt

Chậm kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu cho thấy người phụ nữ có khả năng mang thai.

Dù có thai do thụ tinh trong ống nghiệm hay do thụ thai tự nhiên thì việc chậm kinh là một trong những dấu hiệu sớm nhất và quan trọng nhất cho thấy người phụ nữ đang mang bầu, nhưng chỉ khi chu kỳ kinh nguyệt của bạn đều đặn. Tuy nhiên, ngay cả khi chu kỳ kinh nguyệt không đều hay kinh nguyệt đều thì quan trọng nhất là bạn vẫn cần phải chờ đợi sau 12 ngày đến 14 ngày sau chuyển phôi để có kết quả xét nghiệm chính xác nhất.

  2.  Vú căng tức và đau

Dấu hiệu này tương đối giống với mang thai tự nhiên. Nguyên nhân của triệu chứng này là do hormone mang thai được sản sinh nhiều. Lượng máu lưu thông đến vùng ngực tăng cao. Kích thước ngực phát triển theo ngày tuổi của thai nhi trong bụng khiến bạn cảm thấy căng tức bầu vú, đau nhức. Tuy nhiên một số phụ nữ cũng bị đau và căng tức vú theo chu kỳ hành kinh do thay đổi nồng độ hormone trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc cũng có thể do estrogen mà bạn đang dùng trong chu kỳ IVF gây ra. Vì vậy bạn có thể tham khảo triệu chứng này chứ không khẳng định đây chắc chắn là triệu chứng của việc chuyển phôi thành công.

  3. Ra máu báo

Máu báo thai thường có màu hồng theo một vệt nhỏ, kéo dài từ 1 đến 2 ngày. Nguyên nhân là do phôi tác động lên thành niêm mạc tử cung, co bóp nhiều gây chảy máu.

Tuy nhiên máu báo sau khi chuyển phôi không phải lúc nào cũng là một dấu hiệu tốt. Nếu bạn gặp phải tình trạng này, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và liên hệ với Bác sĩ điều trị của bạn nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào. Trong một số trường hợp, chảy máu cũng có thể là dấu hiệu của việc chuyển phôi không thành công. Chảy máu khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt xảy ra khi quá trình chuyển phôi chưa thành công.

Ngoài ra, việc ra máu trong khoảng thời gian hai tuần này có thể do các hormon mà bạn đã sử dụng trong chu kỳ IVF của mình.

Nói tóm lại, mặc dù đây có thể là một dấu hiệu tốt, nhưng một chút chảy máu nhẹ có thể không phải là dấu hiệu độc lập tốt nhất cho việc chuyển phôi thành công (hoặc không thành công).

   4. Tăng tiết dịch âm đạo

Bạn có thể nhận thấy sự gia tăng dịch tiết âm đạo sau khi chuyển phôi. Sự gia tăng này là phổ biến trong thời kỳ đầu mang thai. Dịch âm đạo loãng, trong suốt hoặc có màu trắng sữa và chỉ có mùi nhẹ. Nếu việc tiết dịch làm bạn lo lắng, hãy liên hệ Bác sĩ điều trị để được tư vấn thêm.

      5. Chướng bụng

Nếu bạn cảm thấy chướng bụng dưới, tương tự như cảm giác khi bắt đầu kỳ kinh, thì đây có thể là một dấu hiệu tích cực khác. Đó là do nồng độ progesterone tăng lên trong thời kỳ đầu mang thai. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải theo dõi bất kỳ triệu chứng chướng bụng nào, đặc biệt nếu nó đi kèm với cơn đau và các cơn đau kéo dài, tăng lên thì cần liên hệ ngày Bác sĩ để được tư vấn thêm.

     6. Thân nhiệt tăng cao

Sau khi chuyển phôi thành công thai nhi sẽ phát triển trong bụng mẹ. Vì thế cơ thể mẹ cần trao đổi chất nhiều hơn hơn để đủ dinh dưỡng nuôi cả mẹ và con. Và do quá trình trao đổi chất với cường độ mạnh mẽ hơn khiến nhiệt độ tăng cao so với bình thường dao động trong khoảng 37 độ.

Tình trạng cơ thể nóng lên là do hoạt động bên trong mẹ diễn ra nhiều hơn. Vì thế khi thấy người nóng lên bạn đừng quá lo lắng rằng mình bị sốt hay ốm. Đây cũng có thể là một trong những dấu hiệu có thai sau chuyển phôi đông lạnh mà bạn cần lưu ý.

     7. Mệt mỏi, ốm nghén

Cũng tương tự như chậm kinh nguyệt, ốm nghén là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi mang thai. Cơ thể thay đổi sinh lý khiến mẹ bầu kén ăn, hay nôn ọe. Có mẹ ốm nghén trong 3 tháng đầu, có mẹ lại nghén trong cả thai kỳ. Nhưng cũng có mẹ không bị nghén.

Tuy nhiên, mệt mỏi cũng có thể do việc sử dụng nhiều các thuốc điều trị nội tiết trong suốt quá trình IVF gây nên.

  8. Buồn nôn

Buồn nôn có thể là một dấu hiệu khác của quá trình chuyển phôi thành công khi cơ thể bạn bắt đầu cảm nhận được tác dụng của hormone thai kỳ. Buồn nôn là dấu hiệu mang thai sớm được biết đến nhiều nhất. Tuy nhiên, đó cũng là một triệu chứng phổ biến đối với phụ nữ đang điều trị IVF và chuyển phôi. Bạn có thể cảm thấy buồn nôn vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị IVF nên khó có thể coi đây là dấu hiệu của một chu kỳ chuyển phôi thành công. Trên thực tế, có những bạn trong quá trình mang thai không bị buồn nôn, nôn hoặc các loại ốm nghén khác. Do đó, không buồn nôn không có nghĩa là bạn không mang thai.

      9. Chuột rút

Chuột rút nhẹ cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy rằng quy trình chuyển phôi có thể đã thành công. Tuy nhiên việc bổ sung progesterone trong quá trình điều trị IVF cũng có thể gây chuột rút. Vì vậy, cho dù bạn có bị chuột rút hay không thì đó không phải là dấu hiệu mạnh cho thấy việc chuyển phôi thành công (hoặc không thành công).

    10. Đi tiểu nhiều

Việc đi tiểu thường xuyên là kết quả của sự gia tăng hormone thai kỳ HCG cũng như sự gia tăng đột biến của Progesteron. Tuy nhiên, đi tiểu nhiều cũng có thể là một triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì vậy bạn cần theo dõi và liên hệ ngay với Bác sĩ khi có các dấu hiệu đi kèm như tiểu đau, tiểu ra máu…

Những ngày sau khi chuyển phôi có thể vừa thú vị vừa đầy cảm xúc. Bạn có thể sẽ có các dấu hiệu dự đoán có thai, đôi khi cũng không gặp bất kỳ triệu chứng nào và điều này là hoàn toàn bình thường. Không có triệu chứng không có nghĩa là không chuyển phôi thành công hoặc là ngược lại. Việc đi thử thai bằng phương pháp xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ Beta hCG. Đây là phương pháp hữu hiệu giúp bạn có kết quả chính xác nhất. Vì vậy, lúc này bạn hãy luôn giữ tinh thần ổn định, tích cực, thoải mái nhất có thể. Không nên quá lo lắng, hồi hộp, hay sợ hãi u sầu.

Sưu tầm.

Trần Thu Uyên

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0566.228.797)