Quan điểm 'Tết 2024 không nên cúng giao thừa' hút 5 triệu lượt xem, chuyên gia nói gì?

GĐXH - Đoạn clip chia sẻ quan điểm Tết 2024 không nên cúng giao thừa khiến cộng đồng mạng xôn xao. Hiện nhiều clip khác mang tư tưởng này cũng xuất hiện. Chuyên gia nói gì?

Tết 2024 không nên cúng giao thừa?

Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần khiến nhiều người háo hức đón chờ một năm mới sang. Tuy nhiên thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến dẫn đến các tranh cãi trái chiều. Một trong những ý kiến được công chúng quan tâm hàng đầu chính là đoạn clip chia sẻ "Tết 2024 không nên cúng giao thừa".

Thực hư clip Tết 2024 không nên cúng giao thừa hút 5 triệu lượt xem? - Ảnh 1.

Tiktoker cho biết năm 2024 không nên cúng giao thừa khiến dư luận xôn xao

Theo đó, Tiktoker chia sẻ, lý do Tết 2024 không nên cúng giao thừa vì thời điểm năm mới là tiết Lập xuân. Tuy nhiên năm nay, tiết Lập xuân lại đến sớm hơn bình thường, tức là vào ngày 4/2 dương lịch (nhằm ngày 25 tháng Chạp âm lịch). Chính vì vậy thời điểm chuyển sang năm mới 2024 vào ngày 9/2 dương lịch không phải là giao thừa đúng nghĩa.

"Giao thừa năm nay rơi vào ngày 24 tháng Chạp, tức ngày 3/2/2024 dương lịch, tuy nhiên mọi người không nên cúng giao thừa vào ngày này vì đây là ngày xấu, năng lượng không tốt. Nếu cúng giao thừa vào ngày này thì sẽ nạp hết năng lượng xấu vào nhà, khiến gia chủ gặp khó khăn xui xẻo... Còn ngày 30 Tết và mùng Một Tết năm nay không phải ngày cuối năm cũ và ngày đầu tiên của năm mới nên có cúng thì cũng vô thưởng vô phạt, không có tác dụng gì", Tiktoker chia sẻ quan điểm.

Thực hư clip Tết 2024 không nên cúng giao thừa hút 5 triệu lượt xem? - Ảnh 2.

Từ lâu, nghi thức cúng giao thừa ngày tết đã được người dân Việt Nam giữ gìn và noi theo

Ngay sau đó, những tài khoản Tiktok khác cũng đăng video với nội dung tương tự là Tết 2024 không được cúng giao thừa. Điều này dẫn đến sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng, nhất là khi Việt Nam vốn có phong tục cúng giao thừa trước thời điểm năm mới đến. Hiện những đoạn clip này đều thu về rất nhiều lượt xem với 5-7 triệu view và hàng ngàn lượt bình luận.

Cúng giao thừa 2024 - Chuyên gia nói gì?

Thực hư clip Tết 2024 không nên cúng giao thừa hút 5 triệu lượt xem? - Ảnh 3.

Các chuyên gia phong thủy và mọi người cho rằng cúng giao thừa là tuân theo âm lịch chứ không căn cứ vào tiết khí nên không ảnh hưởng

Tập tục cúng giao thừa từ lâu là nét văn hóa và nghi thức đón tết cổ truyền quen thuộc của người dân Việt Nam bao đời. Đến thời điểm hiện tại, nghi thức cúng giao thừa vẫn nhận về nhiều sự hưởng ứng của giới trẻ và họ cho rằng đây là một trong những lễ nghi không thể thiếu để thể hiện truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Việc cúng giao thừa căn cứ vào âm lịch chứ không phải dựa trên các tiết khí trong năm nên dù tiết Lập xuân có đến sớm hay đến trễ thì cũng không ảnh hưởng việc đón tết.

TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo và Đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) trả lời trên TNO, cho rằng quan điểm Tết Giáp Thìn không nên cúng giao thừa vào đêm giao thừa mà nên cúng vào 25 hoặc 27 tháng chạp là vô căn cứ.

Theo TS Dương Hoàng Lộc, lễ giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ tịch, được cử hành vào đúng thời khắc kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới. Lễ cúng giao thừa được thực hiện ở cả trong nhà và ngoài trời.

Tranh cãi nảy lửa: Tết Giáp Thìn nên cúng giao thừa ngày 25 hoặc 27 tháng chạp?- Ảnh 2.

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng đánh dấu thời khắc bắt đầu năm mới

Sở dĩ người Việt có truyền thống cúng giao thừa là vì ông bà ta ngày xưa tin rằng mỗi năm có một vị Hành khiển trông coi việc nhân gian. Hết một năm, thần năm cũ bàn giao lại công việc cho vị thần năm mới nên các gia đình có mâm cúng ở ngoài trời để tiễn thần năm cũ và đón thần năm mới.

"Cúng giao thừa là tập tục văn hóa của người Việt vào đêm 30 tháng chạp hoặc 29 tháng chạp đối với tháng thiếu. Đây là thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Không thể nào cúng giao thừa mà lại làm vào ngày 25 hay 27 tháng chạp", TS Dương Hoàng Lộc nói.

Tranh cãi nảy lửa: Tết Giáp Thìn nên cúng giao thừa ngày 25 hoặc 27 tháng chạp?- Ảnh 3.

Mâm cúng giao thừa của người Việt khác nhau ở 3 miền

Cúng giao thừa - Nét văn hóa mang ý nghĩa thiêng liêng của người Việt

Đồng quan điểm, ông Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc địa lý Phương Đông khẳng định trên Thanh Niên cũng cho rằng đêm giao thừa hay còn gọi là đêm Trừ tịch. Việc chuẩn bị mâm cúng trong đêm giao thừa, cùng với bữa cơm tất niên là điều vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng của người Việt.

Theo ông Hải, việc thực hiện nghi lễ truyền thống cúng giao thừa, tống cựu nghinh tân tức là chúng ta đang tạm biệt năm cũ và đón chào năm mới; không liên quan tới việc chuyển vận từ vận 8 sang vận 9. "Sự hiểu sai lệch giữa phong tục truyền thống và hệ thống vận khí trong phong thủy địa lý là hai phạm trù hoàn toàn khác. Bạn có không cúng thì vận khí vẫn dịch chuyển theo tính quy luật của nó và chúng ta vẫn chào đón năm mới", ông Hải phân tích.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc địa lý Phương Đông, cho dù ngày mùng 1 tết tốt hay xấu thì người Việt vẫn có thói quen đi chúc tết gia đình, họ hàng, bạn bè với những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.

Ông Nguyễn Mạnh Linh, Viện Phong thủy Thế giới, trả lời trên VTC News khẳng định thông tin mà họ lan truyền (cúng giao thừa năm nay sẽ nạp năng lượng xấu) không có cơ sở khoa học nào.

Mặt khác, cúng giao thừa là nghi thức truyền thống để chúng ta bày tỏ sự thành tâm của mình trước tổ tiên, thần linh và trời đất. Giao thừa được xác định vào khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ theo lịch âm, không tính theo các tiết khí.

Đồng quan điểm, chuyên gia phong thủy Bùi Quang Minh nói: "Nói năm nay không nên cúng giao thừa là sai, phản khoa học, phản lại phong tục tập quán của Việt Nam. Tiết Lập xuân chỉ là vấn đề thời tiết thôi, tất nhiên năm nay hay năm nào khác thì các gia đình vẫn cúng Giao thừa theo Âm lịch như bình thường".

Chuyên gia Quang Minh cũng bác bỏ những lời dọa dẫm của Tiktoker về việc năm mới này “là năm chuyển vận xấu”, cho biết điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học, mọi người không cần quan tâm. Cúng giao thừa luôn là nghi thức thiêng liêng, không thể thiếu của mỗi gia đình Việt Nam.

Trần Thu Uyên

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0566.228.797)