Những ai không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo? | Cleanipedia VN

Bạn đã biết những ai không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo này chưa? Cùng Cleanipedia tìm hiểu thật chi tiết trong bài viết dưới đây, bạn nhé!

Trước khi tìm hiểu xem ai không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo? Chúng ta hãy cùng điểm qua một số thông tin cơ bản của loại tinh dầu này.

Tinh dầu hoa anh thảo có tên khoa học là Evening Primrose Oil, được chiết xuất từ hạt cây hoa anh thảo, thuộc loại thực vật có nguồn gốc ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, về sau loại cây này phát triển phổ biến trên khắp châu Âu và châu Á.

Tinh dầu hoa anh thảo rất dồi dào axit béo (omega 6) và những hợp chất thiết yếu bổ trợ trong việc duy trì và phát triển cơ thể (axit gamma-linolenic - GLA). Bên cạnh đó, loại tinh dầu đặc biệt này còn có công dụng hoàn hảo trong việc điều trị các triệu chứng/ bệnh lý như: 

  • Làm dịu cơn đau liên quan đến hội chứng tiền mãn kinh (PMS).

  • Hỗ trợ thuyên giảm kích ứng da (vảy nến, mụn trứng cá).

  • Hoạt động như một chất chống viêm hiệu nghiệm (viêm khớp dạng thấp, loãng xương,...).

Các tác dụng phụ của hoa anh thảo

Bên cạnh một số công dụng tuyệt vời mang đến cho người dùng, tinh dầu hoa anh thảo còn tồn tại không ít các tác dụng phụ đáng cảnh báo như:

  • Đau bao tử/ đau dạ dày.

  • Đau bụng, buồn nôn.

  • Gây chóng mặt, đau đầu.

  • Khó thở, thở khò khè.

  • Đi tiêu phân mềm.

  • Làm hạ huyết áp.

  • Viêm da tay/ chân, phát ban diện rộng.

  • Có thể tăng nguy có co giật đối với các bệnh nhân đang điều trị cùng thuốc phenothiazine.

Bàn làm việc với bình tinh dầu và pipet giọt nước.

Ai không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo?

Sau đây, Cleanipedia sẽ cung cấp đến bạn danh sách những đối tượng không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo hoặc trước khi sử dụng cần phải tham vấn ý kiến từ các chuyên gia hay bác sĩ chuyên khoa nhé!

  • Dị ứng với tinh dầu hoa anh thảo: Đối với các trường hợp khi dùng tinh dầu hoa anh thảo bị dị ứng, chóng mặt, phát ban,... bạn cần dừng việc sử dụng lại ngay lập tức và liên hệ với các bác sĩ chuyên môn để thăm khám và điều trị kịp thời.

  • Người bị bệnh rối loạn đông máu: Các bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu/ chống kết tập tiểu cầu: warfarin, heparin hoặc enoxaparin,... không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo.

  • Bệnh nhân đang điều trị rối loạn tâm thần: Như đã đề cập trên, một trong số những tác dụng phụ của tinh dầu hoa anh thảo là tăng nguy cơ gây co giật đối với nhóm người đang sử dụng song song thuốc phenothiazine - thuốc điều trị tâm thần phân liệt/ rối loạn tâm thần.

  • Người điều trị huyết áp: Vì tinh dầu hoa anh thảo có thể gây suy giảm huyết áp nên đối với các bệnh nhân đang điều trị thuốc giảm huyết áp cần thật sự thận trọng khi cần thiết sử dụng tinh dầu hoa anh thảo này nhé!

  • Người chuẩn bị phẫu thuật: Tinh dầu hoa anh thảo sẽ ảnh hưởng đến nguy cơ đông máu, do đó cực kỳ nguy hiểm khi sử dụng trước khi phẫu thuật. Bởi vì việc này hoàn toàn có thể dẫn đến triệu chứng rối loạn chảy máu hoặc tệ hơn có thể gây tăng nguy cơ chảy máu trong và sau phẫu thuật. Một vài trường hợp lâm sàng còn ghi nhận kết quả bệnh nhân bị co giật khi sử dụng thuốc mê trong lúc trước đó đã dùng qua tinh dầu hoa anh thảo (không thông báo với bác sĩ). Trong điều kiện bạn cần sử dụng tinh dầu hoa anh thảo, bạn phải đảm bảo ngừng dùng ít nhất 2 tuần trước khi đến ngày phẫu thuật.

  • Phụ nữ có thai: Cho đến hiện nay, vẫn chưa tồn tại tài liệu nghiên cứu chuẩn y khoa nào khẳng định việc tinh dầu hoa anh thảo hoàn toàn an toàn cho phụ nữ mang thai. Chưa dừng lại ở đó, việc uống tinh dầu hoa anh thảo có thể gây chậm chuyển dạ trong những tuần cuối giai đoạn thai kỳ (khuyến cáo không nên sử dụng tinh dầu hoa anh thảo vào khoảng cuối thai kỳ).

Phụ nữ mang thai đang nằm, tay đặt trên bụng.

Lưu ý khi sử dụng tinh dầu hoa anh thảo

Để sử dụng tinh dầu hoa anh thảo đạt hiệu quả, bạn cần bỏ túi một số lưu ý sau:

  • Cân nhắc khi dùng cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và đang cho con bú. 

  • Cần thăm khám và nhận tư vấn từ bác sĩ tại các phòng khám uy tín trước khi quyết định sử dụng.

  • Nên dùng liều thấp nhất ở giai đoạn đầu, sau đó tăng dần theo chỉ định của bác sĩ.

  • Trong trường hợp bị “vướng” phải các tác dụng phụ từ tinh dầu hoa anh thảo, bạn cần ngừng sử dụng và ngay lập tức đến các cơ sở y tế để thăm khám.

  • Các bệnh nhân đang điều trị chống đông máu/ huyết áp/ thần kinh thì tuyệt đối không dùng tinh dầu hoa anh thảo.

  • Bảo quản tinh dầu hoa anh thảo ở nơi thoáng mát, tránh nơi có ánh nắng trực tiếp. Đồng thời, bạn cũng có thể bảo quản sản phẩm này trong ngăn mát tủ lạnh.

  • Chỉ được sử dụng trong khoảng tối đa 3 tháng sau khi mở nắp. 

  • Nếu sản phẩm có bất kỳ thay đổi về màu sắc, mùi vị, bạn không nên sử dụng tiếp tục nữa nhé!

Mong rằng những chia sẻ bổ ích trong bài viết dưới đây sẽ cung cấp kiến thức hữu ích đến bạn và đừng quên thường xuyên ghé thăm nhà Cleanipedia để học được thêm nhiều mẹo cuộc sống hữu ích khác nữa nha!

>> Xem thêm:

Tác giả: Team Cleanipedia

Facebook | Youtube | Instagram | Pinterest | Twitter

Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo

Admin

Link nội dung: https://blogtinhoc.edu.vn/nhung-ai-khong-nen-su-dung-tinh-dau-hoa-anh-thao-cleanipedia-vn-1724311207-a71.html