Dường như là một chế phẩm của quỷ Sa Tăng, nhân vật Momo đã gây sốc toàn cầu khi nó xuất hiện trong trò thử thách ác ý, lôi kéo con trẻ thơ ngây thực hiện một loạt các nhiệm vụ nguy hiểm, bao gồm cả hành vi bạo lực và tự sát.
Giống như "Thử thách Cá voi xanh" rộ lên trên mạng thời gian vừa qua, Momo là mối đe dọa nghiêm trọng đến từ thế giới ảo. Những chế phẩm văn hóa độc hại đang nhan nhản trên không gian mạng, chực chờ đem lại bất hạnh cho mỗi gia đình, đòi hỏi các bậc cha mẹ những hành động cụ thể trước khi quá muộn.
Bóng ma ám ảnh trẻ thơ
Mải tìm hiểu tư liệu trên mạng để viết bài cảnh báo về "Thử thách Momo", tôi không để ý cậu con trai lớp 1 đang đứng sau lưng tò mò xem bố làm việc. Khi cái mặt gớm ghiếc của Momo xuất hiện, cu cậu reo ầm lên: "A, quỷ Momo!", với vẻ mặt hớn hở, thích thú.
Ngạc nhiên vì thứ người lớn cũng mới biết đến và bảo nhau cảnh giác, thì lại quá ư thông thuộc với đứa trẻ 6 tuổi. Tôi quay sang căn vặn con thì nhận được câu trả lời ráo hoảnh: "Lớp con ai chẳng biết. Chúng nó xem trong điện thoại, Ipad của bố mẹ rồi đến lớp kể lại cho chúng con. Bố mở con xem đi!".
Nhìn nụ cười răng sún, tôi chợt thấy sợ. Những thiên thần bé nhỏ của chúng ta đang đối diện với những điều tệ hại ngay trong chiếc điện thoại, máy tính hay tivi kết nối mạng của gia đình mình.
Nhân vật Momo và "cha đẻ" của nó - nhà điêu khắc Nhật Bản Keisuke Aiso. |
Mang chuyện sang kể với cô giáo bên hàng xóm, cô ngạc nhiên: "Thỉnh thoảng thấy các cháu nhà em cũng xem thứ này, em thấy mặt nhân vật ghê ghê nên bảo chúng tắt đi, chứ cũng không rõ thực hư tác hại ra sao. Chuyện là thế nào hả anh?". Câu hỏi phản ánh một thực tế - người lớn quá bận rộn để dành thời gian cùng với con xem hết các chương trình của chúng trên Youtube Kid.
Nhân vật Momo - một người phụ nữ đầu người thân gà có mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi như zombie đầy quái dị, thực chất là tác phẩm hội họa có tên gốc Mother Bird, được nhà điêu khắc Nhật Bản Keisuke Aiso chế tác vào năm 2016 và trưng bày tại Phòng triển lãm Vanilla ở thành phố Tokyo, Nhật Bản vào năm 2016. Sau đó, hình ảnh ma quái của Momo, được sử dụng làm nhân vật trong trò thử thách kinh dị dành cho trẻ em trên mạng Internet.
Sau khi được sử dụng, trước hậu quả thảm thương mà trò này gây ra đối với con trẻ, "cha đẻ" của Momo đã phá hủy tác phẩm này và dỗ dành những đứa trẻ đã có thể yên tâm vì Momo đã chết và lời nguyền sẽ biến mất.
Tuy nhiên, Momo vẫn "sống" trên không gian mạng và chưa thôi ám ảnh những đứa trẻ. Chưa rõ kẻ lấy hình ảnh Momo làm nhân vật trong trò thử thách nguy hiểm dành cho trẻ thơ là ai, có mục đích gì khi tạo ra chương trình đó. Nhưng hiểm họa mà trò này gây ra trong đời sống là có thật, đã gây sốc toàn cầu bởi những vụ trẻ em tự sát do ám ảnh theo lời hướng dẫn của nhân vật Momo.
Kiểm tra các phim hoạt hình dành cho trẻ em được đăng tải trên Youtube; Youtube kid, ứng dụng WhatsApp… thấy nhân vật Momo không chỉ xuất hiện trong các đoạn clip làm riêng về mình, mà còn được "cấy ghép" vào nhiều video hoạt hình thiếu nhi bình thường như Peppa Pig, Fortnite…
Nhân vật lợn Peppa được trẻ em yêu thích cầm dao đe dọa kiểu Momo. |
Khi video hoạt hình tưởng chừng vô hại đang chạy, đoạn video "Thử thách Momo" (Momo Challenge) sẽ bất ngờ xuất hiện xen vào giữa, với gương mặt gớm ghiếc của nhân vật Momo, kèm câu nói: "Xin chào. Tôi là Momo. Tôi là cơn ác mộng tồi tệ nhất của bạn. Tôi định giết bạn. Tôi sẽ giết bạn. Tối nay tôi sẽ ngủ cùng bạn và đến sáng bạn tiêu đời. Muốn một điều bất ngờ? Hãy nhìn vào mắt tôi. Không hề giả dối. Bạn sẽ đi đời. Ngủ ngon nhé, người bạn nhỏ. Và hãy nhớ về tôi…". Hay: "Cắt chân của cậu đi và cậu sẽ không bao giờ gặp tớ"; "Cắt cổ tay và bố mẹ bạn sẽ không bao giờ thấy tớ".
Có thể thấy nội dung của "Thử thách Momo" là sự biến thể nguy hiểm hơn nhiều so với trò quái đản "Thử thách Cá voi xanh" trước đó.
Những đoạn clip Momo lồng ghép trong các video hoạt hình bình thường thực sự vô cùng nguy hiểm đối với con trẻ, bởi nó đe dọa rồi hướng dẫn, thúc giục trẻ tự làm hại bản thân, thậm chí là tự sát, hay hướng dẫn chúng làm những điều tệ hại, lệch lạc.
Chẳng hạn như nhân vật Peppa Pig được trẻ rất yêu thích cầm dao đâm bố mình và tự rạch mặt mình. Có clip hướng dẫn trẻ dùng lửa châm bình ga trong nhà…
Chết vì "nghe" Momo
Trên thế giới đã xảy ra hàng loạt trường hợp trẻ em có hành vi tự tử hoặc tự làm hại bản thân, sau khi xem những video búp bê Momo trên Youtube hay ứng dụng WhatsApp. Được cho là xuất phát từ nước Anh, trò thử thách bệnh hoạn này đã nhanh chóng lây lan như một thứ "dịch bệnh", trở thành trào lưu nguy hiểm phổ biến ra nhiều châu lục khác qua Internet.
Nhân vật Momo trong trò thử thách. |
Báo chí quốc tế ghi nhận "Thử thách Momo" đã bùng phát tại nhiều nước như Argentina, Mexico, Mỹ, Pháp và Đức… Nạn nhân của trò này chủ yếu là các em nhỏ ở lứa tuổi vị thành niên. Tháng 7-2018, một bé gái 12 tuổi người Argentina được tìm thấy ở sân sau nhà tại thành phố Buenos Aires trong tư thế treo cổ.
Đây được coi là trường hợp đầu tiên trẻ em tự sát do tác động của trào lưu Momo, khi Cảnh sát địa phương phát hiện thấy những đoạn chat WhatsApp có liên quan đến "Thử thách Momo" và cho rằng chính nó đã thúc đẩy cô bé tự sát. Tiếp đến tháng 9-2018, một bé gái 12 tuổi và cậu bé 16 tuổi đã tự sát trong một ngôi nhà thuộc địa phận khu Barbosa, Colombia.
Cơ quan điều tra đã tìm được bằng chứng cho thấy cả 2 nạn nhân có quen biết nhau, cùng tham gia trào lưu "Thử thách Momo" trên WhatsApp. Trước khi kết liễu đời mình theo lời yêu cầu của Momo, cậu bé đã rủ cô bé cùng mình "chơi" thử thách này.
Tại Pháp vào tháng 11-2018, tiếp tục có thêm nạn nhân mới của "Thử thách Momo", khi một cậu bé 14 tuổi cũng tự treo cổ trong phòng ngủ của mình giống như các trường hợp trước.
Trước khi chết, cậu bé đã đăng tải hình ảnh lên Facebook của mình hình ảnh Momo gớm ghiếc. Ông René Gattino - bố nạn nhân đã chính thức khởi kiện YouTube và WhatsApp vì đã để Momo Challenge diễn ra, gián tiếp dẫn đến cái chết của con trai mình….
Ai gieo nỗi sợ?
Trao đổi với PV chuyên đề ANTG về tác động của "Thử thách Momo” đối với đời sống, bà Vũ Thu Hương - Chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, chính mạng xã hội là tác nhân đẩy sự sợ hãi lên đỉnh điểm và lan tỏa toàn cầu. Vô hình trung đã quảng bá và giúp cho trò thử thách quái đản này phát tán như một dịch bệnh khó kiểm soát.
Bà Hương nhìn nhận: "Trẻ em là niềm yêu thương, nguồn vui sống của mỗi gia đình, là đối tượng bảo vệ đặc biệt của xã hội và pháp luật. Chính vì vậy, mọi hành động gây hại cho bọn trẻ luôn chạm đến "dây thần kinh yếu nhất" của người lớn và gây rúng động dư luận xã hội. Vừa qua trong các bộ phim hoạt hình được trẻ em yêu thích như Elsa, Anna, Người dơi, siêu nhân… trên ứng dụng Youtube, Youtube Kids… đã bị lồng ghép các cảnh quay tình dục, bạo lực. Chẳng hạn như trong bộ phim hoạt hình lợn Peppa, có những cảnh đâm chém, hoàn toàn không phù hợp với trẻ em.
Tuy nhiên, điều cần bàn là thái độ của người lớn đối với hiện tượng này. Theo tôi nghĩ, "thử thách Momo" sở dĩ lây lan nhanh chóng và gieo rắc nỗi sợ hãi lên toàn thế giới, chính bởi hành động chia sẻ clip "Momo Challenge" và cảnh báo nhau thái quá thông qua mạng xã hội như Facebook, Twitter, Intergram....
Vào Youtube hiện nay, thấy chủ yếu là các clip giải thích Momo là gì hay các tin ăn theo. Tôi cho rằng, sự hốt hoảng của người lớn đã đẩy câu chuyện đi rất xa, làm vấn đề dễ tiếp cận hơn, kéo theo sự tò mò của con trẻ. Đó là thứ đáng bàn trong câu chuyện đáng sợ mang tên "Thử thách Momo".
Phân tích của bà Hương cũng rất đáng suy nghĩ. Đôi khi những lo lắng thái quá và hành động thiếu cân nhắc, không đúng phương pháp của người lớn, khiến vấn đề không được giải quyết, lại gây ra những tác hại không mong muốn. Trẻ em vốn tính tò mò, việc người lớn chia sẻ rộng rãi các clip về Momo trên mạng xã hội, càng khiến chúng dễ tiếp cận, có hứng thú tìm hiểu và làm theo.
Giữ con trên không gian mạng
Làm gì để giữ con cái mình an toàn trước những nguy cơ đến từ "thế giới ảo", là điều mà các bậc cha mẹ ngày nay rất quan tâm.
Thượng úy Trịnh Công Anh, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội khuyến cáo: "Trẻ em ngày nay hòa nhập vào thế giới trực tuyến cực nhanh, bởi đã quá quen thuộc với internet. Chúng có xu hướng tìm kiếm những nội dung mới có tính độc, lạ, thử thách trên internet, nên rất dễ bị thu hút vào các trò chơi quái đản. Vì vậy, cha mẹ cần giám sát hoạt động trực tuyến của con cái mình.
Nói chuyện cởi mở là cách tốt nhất chống lại các mối đe dọa an ninh mạng và nội dung độc hại, cũng như không truy cập bất kỳ nội dung nào từ các địa chỉ đáng ngờ. Hãy dạy trẻ những cách sử dụng internet an toàn để có thể tự tin đối phó khi xuất hiện các mối đe dọa.
Chọn ra những trang web phù hợp và giải thích cho trẻ hiểu lý do lựa chọn chương trình đó. Khuyến cáo trẻ không nên kết bạn trên internet mà không biết ngoài đời họ là ai. Không bao giờ chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ… với những người không quen biết".
Vẫn theo cán bộ này, cha mẹ cần kích hoạt cài đặt an toàn như tắt chế độ tự động phát và có thể cài đặt các ứng dụng kiểm soát để ngăn trẻ em xem nội dung không phù hợp. Quản lý thời gian sử dụng và các ứng dụng được cài đặt cho trẻ.
Có thể sử dụng những tính năng bảo mật như Safe Kids để bảo vệ trẻ trước những mối đe dọa trên mạng internet triệt để hơn. Phần mềm này được tích hợp các tính năng hữu ích cho phép cha mẹ xem báo cáo và tùy chỉnh cài đặt, từ đó chặn các trang web độc hại và có nội dung nguy hiểm.
"Đối với trẻ thơ ở lứa tuổi mẫu giáo, việc cha mẹ cùng xem với con hết các chương trình hoạt hình trên Youtube Kid là cần thiết, để tránh tình trạng có những chương trình, hình ảnh độc hại được lồng ghép giữa các bộ phim hoạt hình hấp dẫn. Có một thực tế là nhiều nội dung trên YouTube Kids khá nhảm nhí.
Chẳng hạn như có nhiều clip cho trẻ em gồm những bài hát rẻ tiền, những câu chuyện chẳng có tí ý nghĩa được minh họa bằng các mô hình hay đồ chơi 3D mô phỏng những nhân vật nổi tiếng như Elsa, Spider-Man và Peppa Pig. Chúng được thiết kế thuần tuý nhằm thu hút sự chú ý và qua đó kiếm tiền và lượt xem từ các từ khoá tìm kiếm thông dụng - chứ không nhằm giáo dục hay giúp trẻ em giải trí.
Vì thế hiện nay, có một giải pháp khá dễ dàng mà nhiều người đã và đang thực hiện, nhất là đối với các bậc phụ huynh có trẻ nhỏ. Đó là gỡ ứng dụng YouTube khỏi điện thoại, tivi, máy chơi game, iPad…
Thay vào đó, hãy cho trẻ tiếp cận các chương trình giải trí lành mạnh trên các chương trình truyền hình, hoặc những nội dung hay cho trẻ em trên Netflix, BBC iPlayer" - Thượng úy Trịnh Công Anh tư vấn.
Admin
Link nội dung: https://blogtinhoc.edu.vn/hiem-hoa-momo-va-cach-bao-ve-con-tre-1736041811-a5218.html