Từ những câu chuyện về các mỹ nhân đầu mình đuôi cá có khả năng dẫn dụ các thuỷ thủ, cho đến nàng tiên cá phiên bản live-action do Disney sản xuất, sức hút của nàng tiên cá đối với nền văn hoá đại chúng chưa bao giờ giảm đi.
Nàng tiên cá là những nhân vật thần thoại xuất hiện trong nhiều nền văn hóa, phản ánh niềm đam mê của con người đối với biển cả sâu thẳm và đầy bí ẩn. Trong những câu chuyện vang vọng từ hàng nghìn năm trước, nàng tiên cá hiện lên với đủ mọi dáng vẻ.
Ở Úc, những linh hồn nước xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật trên đá và vỏ cây của những người thổ dân ở vùng Arnhem (Úc).
Trên khắp lục địa Châu Phi, các vị thần dưới nước như Yemaya và Mami Wata có hình dạng giống nàng tiên cá, phản ánh mối liên hệ gắn kết giữa cộng đồng người dân và môi trường tự nhiên xung quanh họ.
Trong số những câu chuyện kể về nàng tiên cá nổi tiếng nhất, không thể bỏ qua câu chuyện của Hans Christian Andersen, Nàng tiên cá (The little mermaid). Bản live-action dựa trên tác phẩm này đã được Disney ra mắt vào tuần trước.
Thực chất vào thời điểm xuất bản năm 1837, nàng tiên cá của Andersen không phải là phiên bản tiên cá đầu tiên. Xuyên suốt thời thơ ấu, Hans Christian Andersen đã lớn lên với những câu chuyện về nàng tiên cá đầy huyền bí trong các tác phẩm của Shakespeare và cuốn Truyện về những đêm Ả Rập.
Trong Giấc mộng đêm hè của William Shakespeare, nhân vật Oberon nhận thấy những giai điệu xinh đẹp của các nàng tiên cá có thể làm biển lặng và kéo các vì sao xuống. Còn trong Truyện về những đêm Ả Rập – tuyển tập các câu chuyện Ấn Độ và Ba Tư được tập hợp qua nhiều thế kỷ, có rất nhiều câu chuyện kể về người cá, với phần đầu và phần thân trên giống người, còn phần dưới thì là đuôi cá. Một số người cá đã sống trong những cung điện tuyệt đẹp dưới đáy biển.
Trong một câu chuyện, một ngư dân đến thăm bạn người cá của mình dưới đáy biển. Ở đó, anh tận mắt chứng kiến các cộng đồng người cá Do Thái, Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Về sau, tình bạn hai người kết thúc vì sự khác biệt trong cách suy nghĩ.
Có thể tìm thấy hình ảnh về các sinh vật lai giữa người và cá từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên (từ năm 3000 đến năm 2001 trước Công nguyên) ở Lưỡng Hà thời cổ đại.
Apkallu, hay bảy nhà hiền triết trong thần thoại Lưỡng Hà, mang hình dạng lai giữa người và cá. Trong văn học Lưỡng Hà, cũng như trong Kinh thánh, một trận đại hồng thủy đã hủy diệt phần lớn nhân loại. Là con lai giữa người và cá, Apkallu được trang bị đầy đủ để sống sót sau trận lụt để tiếp tục giữ gìn truyền thống tri thức của họ. Apkallu là người thầy vĩ đại đã cung cấp cho nhân loại các kiến thức về y học và cách xây dựng thành phố.
Mối liên hệ giữa người cá với trí tuệ và y học mở rộng sang các truyền thuyết cổ xưa khác. Ở Nam Phi, hình tượng người cá đóng một vai trò phức tạp trong các nghi lễ chữa bệnh lâu đời.
Tại vùng Cận Đông cổ đại, mối liên hệ giữa hình tượng người cá và trận đại hồng thuỷ có thể được nhìn thấy trong phần minh hoạ Kinh thánh Nuremberg năm 1483, trong đó những nàng tiên cá đang bơi quanh chiếc thuyền cùng với chú chó lai cá của họ.
Các đặc điểm thú vị
Trong các câu chuyện truyền thống, người cá thường bơi cùng với nhiều sinh vật khác nhau. Theo thần thoại Inuit (Bắc Mỹ), người cá và chó lai cá được mô tả là thường bơi cùng nhau.
Trong truyện kể dân gian Quần đảo Orkney ở Scotland, người cá thường đi cùng với hải cẩu. Trong Giấc mộng đêm hè, nàng tiên cá bơi cùng với cá heo. Trong thần thoại từ Đông Á và Nam Mỹ, người cá lại gần gũi với rùa.
Có thể tìm thấy những điểm tương đồng giữa truyện cổ tích Nàng tiên cá của Đan Mạch với một truyện kể dân gian nổi tiếng Hàn Quốc, có từ thế kỷ 13 sau Công nguyên. Trong câu chuyện, nàng tiên cá Công chúa Hwang-Ok (còn được gọi là Topaz) kết hôn với một hoàng tử và ngày càng trở nên giống con người hơn. Công chúa nhớ nhà và nhớ cuộc sống dưới nước của mình, vì vậy người bạn rùa của cô ấy đã giúp cô ấy biến trở lại thành nàng tiên cá và khoẻ mạnh trở lại.
Trong thần thoại Trung Bộ châu Mỹ cổ đại, rùa và cá voi xuất hiện cùng với nàng tiên cá với tư cách là những trợ tá đắc lực cho vị thần bão Tezcatlipoca.
Khi nhắc đến nàng tiên cá, mọi người thường nghĩ đến tiếng hát tuyệt diệu, có thể khiến các thuỷ thủ xiêu lòng đến quên lối về. Giọng ca say đắm lòng người là một nét đặc trưng của nhiều câu chuyện dân gian kể về nàng tiên cá, bao gồm truyện Nàng tiên cá của Andersen và vở kịch của Shakespeare.
Trong câu chuyện cổ tích của mình, nàng tiên cá của Andersen sử dụng tiếng hát của mình để giành chiến thắng trong cuộc thi ở vương quốc dưới đáy biển. Trong một cảnh khác, nàng tiên cá – lúc này đã hy sinh giọng nói và tiếng hát của mình – ngắm nhìn mọi người hát ca trong cung điện, và thầm nhủ rằng mình còn có thể hát hay hơn thế.
Trong các tác phẩm của Shakespeare, nàng tiên cá đôi khi được nhà thơ mô tả tương đồng với các Siren (những sinh vật mang thân hình nửa người nửa chim và có giọng ca hết sức tuyệt vời) trong thần thoại Hy Lạp.
Siren trong các sử thi cổ đại như Odyssey của Homer được biết đến với khả năng dẫn dụ người nghe đến chỗ chết bằng những bài hát ngọt ngào và những lời hứa như rót mật. Siren cũng giống như nàng tiên cá, được biết đến như những sinh vật lai có tiếng hát quyến rũ, nhưng thường được miêu tả với vẻ ngoài giống chim hơn là giống cá.
Sức quyến rũ của người cá thể hiện niềm tin của con người về khả năng của biển cả trong việc níu giữ trái tim của những người đi biển và khiến họ xa nhà lâu ngày – dù là vì các sự cố ngoài ý muốn.
Cho đến hiện tại, sức hấp dẫn của thần thoại về nàng tiên cá vẫn không giảm đi. Thậm chí chúng ta vẫn đang tranh cãi về màu da của nàng như trong bộ phim mới của Disney. Nàng tiên cá xây cầu nối giữa đất liền và biển cả, giữa con người và động vật, giữa vùng hoang dã và nền văn minh, là biểu tượng cho sự gắn kết của con người với những bí ẩn dưới đáy biển sâu.
Thu Phương tổng hợp
Nguồn:
A long and fishy tail: before Disney’s Little Mermaid, these creatures existed in mythologies from around the world
Why we can’t resist the lure of mermaids
(Visited 185 times, 1 visits today)
Admin
Link nội dung: https://blogtinhoc.edu.vn/nang-tien-ca-hinh-tuong-pho-bien-trong-cac-nen-van-hoa-1734874507-a1310.html