Ông Công - Ông Táo trong văn hóa dân gian Việt Nam

Admin
(LSVN) - Trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam, ba vị Thổ Công/Táo quân xuất hiện dưới hình ảnh là có 2 ông, 1 bà. Vì vậy, người Việt thường mua sắm ba bộ mũ, áo, hia bằng giấy (không có quần), theo từng năm mà có màu sắc các bộ mã phục này có khác nhau, nhưng đều tuân thủ theo quy luật của Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, bộ mũ, áo, hia sẽ được hóa và thay thế bằng một bộ mới, để hóa vào năm sau. 

25/01/2022 03:08 |

(LSVN) - Trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam, ba vị Thổ Công/Táo quân xuất hiện dưới hình ảnh là có 2 ông, 1 bà. Vì vậy, người Việt thường mua sắm ba bộ mũ, áo, hia bằng giấy (không có quần), theo từng năm mà có màu sắc các bộ mã phục này có khác nhau, nhưng đều tuân thủ theo quy luật của Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, bộ mũ, áo, hia sẽ được hóa và thay thế bằng một bộ mới, để hóa vào năm sau.

Theo quan niệm truyền thống, vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo sẽ bay lên thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng tất cả những chuyện tốt xấu của gia chủ trong năm.

Ông Công (còn gọi là Thổ Công) hay còn gọi là ông Táo (Táo Quân, vua bếp) là thuật ngữ để chỉ đến các vị thần linh dân gian đã hỗn dung với Đạo giáo có nguồn gốc từ Trung Hoa.

Theo sách Nếp cũ của Toan Ánh, thì Thổ Công chính là vị thần trông coi gia cư, định phúc họa cho gia đình tín chủ. Nhờ có Thổ Công, mà các hồn ma quỷ không nhập được để quấy nhiễu. Thổ Công không phải là một vị thần, mà gồm có ba vị thần với các danh hiệu khác nhau: Thổ công (trông coi việc bếp núc – còn được gọi là Táo quân); Thổ địa trông coi việc nhà; Thổ kỳ trông coi việc chợ búa cho phụ nữ và việc sinh sôi màu vật của vườn đất… 

Trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam, ba vị Thổ Công/Táo quân xuất hiện dưới hình ảnh là có 2 ông, 1 bà. Vì vậy, người Việt thường mua sắm ba bộ mũ, áo, hia bằng giấy (không có quần), theo từng năm mà có màu sắc các bộ mã phục này có khác nhau, nhưng đều tuân thủ theo quy luật của Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, bộ mũ, áo, hia sẽ được hóa và thay thế bằng một bộ mới, để hóa vào năm sau. 

Phần lớn các phong tục của người Việt Nam trong quá khứ đều bắt nguồn và du nhập từ Trung Hoa. Ngay sau khi tiến hành đánh chiếm vùng đất Giao Châu và cai trị trong cả nghìn năm, người Hán đã chủ trương đồng hóa văn hóa người Việt một cách mạnh mẽ.

Đặc biệt là các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và “tứ thời lạp tiết” (các nghi lễ trong năm: Tết Nguyên đán, các ngày sóc vọng…) đã được đưa vào nước ta. Các phong tục, tập quán du nhập cùng với các tôn giáo Phật, Đạo, Nho dần định hình và được người dân Việt thực hành. Trải qua thời gian mà hình thành các giá trị truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu những yếu tố văn hóa Trung Hoa ấy, người dân đất Việt đã biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh văn hóa thực tế của vùng đất. Nên có thể nhận thấy, nhiều phong tục của người Việt vừa giống với Trung Hoa, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt.

Từ đó mà có thể nói nguồn gốc của ông Công/ông Táo trong văn hóa Việt Nam cũng bắt nguồn và được tiếp thu từ Trung Hoa. Cụ thể là từ Đạo giáo dân gian (Đạo giáo phù thủy), một dòng khác của Đạo giáo Trung Hoa do Lão Tử sáng lập nên.

Những yếu tố tâm linh, cầu cúng, mang màu sắc huyền hoặc này rất phù hợp với tâm thức, tâm lý của người dân đất Việt, nên rất được tôn sùng và có sức sống mạnh mẽ.

Có một tích truyện của ông Công/ông Táo được kể lại rằng: Vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau đã lâu nhưng không có con, thường xảy ra cãi nhau. Vì không kiềm chế được, Trọng Cao đã đánh Thị Nhi. Bị chồng đánh, Thị Nhi giận quá, bỏ nhà đi, rồi gặp một người đàn ông khác là Phạm Lang. Người đàn ông này đã đem lời khéo léo quyến rũ Thị Nhi rồi kết thành vợ chồng. Sau khi hết cơn giận, Trọng Cao thấy vợ bỏ đi, ông đã rất hối hận và bỏ hết công ăn việc làm, đi khắp nơi tìm vợ. Hết tiền, Trọng Cao trở thành ăn mày trên con đường đi tìm Thị Nhi.

Một hôm, Trọng Cao đến xin ăn trong một gia đình, bà chủ mang cơm ra cho, ông nhận ra đó chính là Thị Nhi và bà cũng nhận ra ông. Hai người bày tỏ nỗi niềm, nhưng Thị Nhi đã trót lấy Phạm Lang. Không biết làm thế nào, Thị Nhi đành đưa Trọng Cao ra ở đống rơm. Phạm Lang về nhà, nhớ ra là chưa có tro để bón ruộng, nên châm lửa đốt đống rơm. Trọng Cao do mệt mỏi, ngủ say nên bị thiêu chết. Thị Nhi khi phát hiện ra, lao vào đống lửa để cứu Trọng Cao, nên cũng bị đốt chết. Phạm Lang thấy vợ bị cháy như vậy, thương xót, nhảy vào đống lửa để cứu, nên cũng bị chết cháy. Ngọc Hoàng Thượng đế thấy ba người có nghĩa với nhau, nên phong cho làm Táo Quân, nhưng mỗi người mỗi việc: Phạm Lang làm Thổ công; Trọng Cao làm Thổ địa; Thị Nhi làm Thổ kỳ. 

Theo tích truyện này, ở Việt Nam cũng có hình thức cúng ông Công/ông Táo gồm có 2 ông 1 bà; và đúng truyền thống, các vị này chỉ có mũ, áo và hia (quần không được nhắc tới).

Thật khó xác định một cách chính xác về niên đại của tục thờ cúng ông Công/ông Táo và tục thả cá chép vàng. Mặc dù, tục thờ cúng ông Công/ông Táo đã xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm (có thể vào giai đoạn Bắc thuộc) và dần phát triển theo thời gian mà định hình thành tập quán tâm linh như ngày nay.

Riêng đối với tục thả cá chép, đây là một chi tiết cho thấy yếu tố Nho và Đạo giáo đã được hỗn dung một cách mạnh mẽ.

Con cá chép vàng gắn với tích truyện “vượt vũ môn” để hóa thành rồng, thường được gán cho hình ảnh các Nho sĩ phải dùi mài kinh sử, trải qua những kỳ thi gian khổ để đỗ đạt, đem tài “kinh bang tế thế” trở thành rường cột cho đất nước.

Vào ngày ông Công/ông Táo có thể đã có ở Trung Hoa rồi cùng tín ngưỡng này mà du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Mà cũng có thể, tục thả cá chép này xuất hiện ở Việt Nam vào giai đoạn Nho giáo bắt đầu phát huy được vai trò của mình trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội – thời Lê sơ – khi mà các phép tắc thi cử - quan trường được xây dựng hoàn bị. Tất nhiên, để khẳng định, cần có sự khảo cứu kỹ hơn của các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa.

Dân gian quan niệm, ngày 23 tháng Chạp là thời gian ông Táo bay lên thiên đình, báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đến các việc của nhân gian, của gia đình nơi ông Táo cai quản. Và muốn lên được thiên đình, ông Táo phải sử dụng phương tiện, trong đó cá chép ở sông dài, hồ rộng thì bơi trong nước, nhưng có thể hóa rồng mà bay lên trời.

Cá chép đã trở thành phương tiện có thể sống ở hai môi trường khác nhau trong tâm thức dân gian, điều mà hầu hết các con vật khác trong tự nhiên – gần gũi với con người không thể thực hiện được. Nên cá chép vàng được cúng, thả ra sông – hồ, khi ông Táo cưỡi lên sẽ hóa thành rồng mà bay lên thiên đình.

Đó là tư duy của dân gian Việt Nam truyền thống. Không những thế, cá chép – rồng đều gắn liền với nguồn nước, mây mưa – liên quan đến nông nghiệp lúa nước, còn là ước vọng cầu mưa, cầu nguồn nước, cầu mùa của người nông dân Việt Nam truyền thống.

Rõ ràng là mỗi một phong tục, tập quán nói chung và các tập tục tâm linh nói riêng tồn tại trong mỗi nền văn hóa đều có vai trò, nhiệm vụ và tính hợp lý của nó. Tục thờ ông Công/ông Táo trong văn hóa Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ mỗi người một nhiệm vụ, cai quản, tổ chức, sắp xếp, trông nom và bảo vệ cho mỗi gia đình được yên ổn, bình an, phát triển. Đây là khát vọng và mong ước rất giản dị nhưng hết sức thiết thực đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Và, tục thờ cúng ông Công/ông Táo được người Việt thực hành để đáp ứng nhu cầu tinh thần trong đời sống thực tế của gia đình.

Tiến sĩ ĐINH ĐỨC TIẾN

ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội

Tăng chuyến bay đêm để giảm tải ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất

Lê Minh Hoàng

FacebookPrintEmail

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)