Ảnh minh họa.
Lạc quan, theo Đại Từ Điển tiếng Việt, trang 863, có 2 nghĩa chính:
Có cách nhìn, thái độ tin tưởng tương lai tốt đẹp. Ví dụ: Con người lạc quan, chất thơ đầy lạc quan, yêu cuộc sống.
Có nhiều triển vọng tốt đẹp. Ví dụ: Tình hình sản xuất khá lạc quan.
Lạc quan (Optimism) theo Đại Từ điển tiếng Anh hiện đại Longman, xuất bản năm 2011, trang 1158 có nghĩa: “Có chiều hướng tin tưởng rằng mọi sự tốt đẹp sẽ luôn diễn ra” (Tendency to believe that good things will always happen).
2. Lạc quan trong đời sống hàng ngày:
Câu chuyện 1: Một cốc nước, ai cũng biết. Nửa cốc nước lại càng đơn giản, dễ hiểu. Ấy thế mà “Nửa cốc nước” đã được các nhà Tâm lý học gọi là Quy tắc vàng. Xin tóm tắt quy tắc vàng ấy như sau: Sống ở trên đời sướng hay khổ, buồn hay vui, phấn khởi hay tức giận đều do cách nhìn nhận, cách suy nghĩ, cách diễn giải mà ra cả. Ví dụ như khi A và B đều được phát mỗi người nửa cốc nước. A là người lạc quan, yêu đời, khiêm tốn nên đón nhận nửa cốc nước một cách vui vẻ, phấn khởi.
À, thích quá, đang khát mà được những nửa cốc nước, thật cũng đã đời.
B là người luôn ghen tức, đố kỵ, hay tức giận vì lúc nào cũng thường trực trong đầu có người hại mình, cướp miếng ăn của mình, nên đã nổi cáu:
Chỉ có nửa cốc nước này thôi à!
Quy tắc vàng là: “Cách nhìn khác nhau, đem lại cảm nhận khác nhau, tâm trạng khác nhau, hậu quả khác nhau”.
Câu chuyện 2: Ba lý do để vui vẻ, yêu đời của người trí thức chân chính, lương thiện khi nhận cuốn sổ nghỉ hưu:
Trong suốt 35 năm đi làm (bác sỹ, giáo viên, kỹ sư, kỹ thuật viên…) ta đã góp được chút công sức nhỏ giúp ích cho xã hội (cứu chữa được người bệnh, dạy được nhiều học sinh nên người, góp phần xây được mấy chiếc cầu cho địa phương…) vui quá đi chứ, tự hào quá đi chứ.
Ta được xã hội nuôi dạy, cho ăn học đến nơi đến chốn. Lúc về già, có được những kiến thức, biết cách hưởng thụ công nghệ cao, biết phân tích một bài văn hay, biết thưởng thức một bản nhạc thú vị, một vở kịch đầy triết lý nhân sinh. Vui quá đi chứ, thích thú quá đi chứ.
So với nhiều người khác, thông minh hơn ta, tài giỏi hơn ta, ấy thế mà ta cũng được xã hội đãi ngộ khá tốt, lương hưu cũng đủ chi dùng. Các ngày lễ, ngày Tết được mời tham dự các cuộc gặp mặt rất cảm động. Vui quá đi chứ, đáng mừng quá đi chứ.
Câu chuyện 3: Khi ta được mời làm ủy viên để đánh giá một đề tài nghiên cứu, gặp phải một bản thảo còn nhiều điều cần bổ sung, có 2 cách góp ý:
Cách nhận xét bi quan, phũ phàng, tiêu cực làm cho tác giả nản chí khi ta đánh giá: “Nói rất nhiều, nhưng chẳng nêu cụ thể được việc gì”.
Cách nhận xét lạc quan, thân tình, xây dựng động viên được học trò mình: “Tuy chưa giải quyết được thật triệt để, nhưng đề tài cũng đã gợi mở ra được một số vấn đề khá cụ thể”.
Câu chuyện 4: Trời mưa tầm tã, phố xá nước ngập, bùn đất bắn tung tóe.
Người lạc quan, yêu đời nói:
Mưa to nhiều nước thế này, bà con nông dân mừng rỡ lắm đây. Ruộng vườn đủ nước, ao hồ đủ nước, chăn nuôi, mùa màng thuận lợi quá.
Người bi quan, chán đời nói:
Mưa gì mà mưa lắm thế, đi đâu cũng ngại, làm gì cũng ngại, biết bao giờ mới tạnh mưa đây, khổ quá.
Câu chuyện 5: Hai em học sinh A và B đều trượt kỳ thi vào Đại học.
Bố mẹ em A an ủi, động viên con:
Vừa rồi con thi được 10 điểm, chứng tỏ con có nắm được vấn đề nhưng chưa sâu, chưa kỹ. Con cố gắng ôn tập thật tích cực, thế nào sang năm cũng đỗ.
Kết quả: Năm sau, em A thi đỗ vào đại học. Bố mẹ em A vô cùng sung sướng.
Bố mẹ em B dọa nạt con, mạt sát con, thái độ hung tợn:
Mày làm xấu hổ cho bố mẹ, cho gia đình, đúng là đồ ăn hại.
Kết quả: Em B tự tử, nhưng may cứu được. Bố mẹ em B vô cùng ân hận.
3. Lạc quan trong các “Túi khôn” của nhân loại:
Martin Luther (1483 – 1546) là nhà Triết học vĩ đại đã từng bị Giáo hội công giáo Rôma rút phép thông công và đặt ra ngoài vòng pháp luật chỉ vì tư tưởng tự do, phóng khoáng, lạc quan, yêu đời của ông đã thách thức mọi trật tự đè nén lúc bấy giờ. Câu nói đầy lạc quan, yêu đời nổi tiếng nhất của Martin Luther đã được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ khác nhau trên thế giới là câu: “Cho dù tôi biết ngày mai thế giới này sẽ tan thành mảnh vụn, tôi vẫn sẽ trồng cây táo của mình” (Even if I knew that tomorrow the world would go to pieces, I would still plant my apple tree).
Luther yêu quý tiếng cười hàng ngày trong cuộc sống, đến nỗi ông tuyên bố: “Nếu không được phép cười trên thiên đàng, tôi không muốn tới đó đâu” (If I am not allowed to laugh in heaven, I don’t want to go there).
Còn G.W.Fiedrich Hegel vĩ đại (1770 – 1831) đã từng nói thẳng: “Chỉ có người học trò mới luôn luôn bắt đầu bằng cách tìm ra khiếm khuyết, còn các học giả uyên bác đều thấy ưu điểm trong mọi thứ”. (The learner always begins by finding fault but the scholar sees the positive merit in everything).
Bậc thầy Les Brown (1912 – 2001) còn dạy cách ứng xử lạc quan, tỉnh táo ngay cả khi con người gặp phải số phận không may mắn. Ông viết: “Ngay cả khi số phận không chia cho bạn quân bài tốt, không có nghĩa là bạn phải bỏ cuộc. Nó chỉ có nghĩa là bạn phải chơi những quân bài đó với tiềm năng tối đa của chúng” (Just because Fate doesn’t deal you the right cards, it doesn’t mean you should give up. It just means you have to play the cards you get to their maximum potential).
4. Những tấm gương về sống lạc quan:
Những người sống lạc quan trước hết phải có một trái tim nhân hậu, yêu quý con người, luôn hướng về phía có ánh sáng mặt trời. Họ tin tưởng vào con người. Họ tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng, ngày mai ấy chắc chắn sẽ tốt hơn, sẽ đẹp hơn, sẽ no ấm yên vui hơn so với ngày hôm nay. Nếu không tin tưởng vào ngày mai, người chiến sĩ cách mạng trước khi bị giặc xử án tử hình sao vẫn có thể bình tĩnh và vui vẻ dạy chữ cho các bạn tù, đọc truyện Kiều cho mọi người cùng thưởng thức.
Những người sống lạc quan thường là những người sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng để phục vụ cho cộng đồng, cho xã hội. Tấm gương tận tụy dâng hiến của người anh hùng chăn nuôi Hồ Giáo đã làm xúc động biết bao thế hệ người Việt Nam muốn học tập, noi gương ông để phấn đấu cho một cuộc đời có ý nghĩa, để có được niềm vui chân chính mà một con người lương thiện luôn thiết tha, mong muốn.
Trên Đài truyền hình Hà Nội từ 6g30 đến 7 giờ sáng hàng ngày có 2 chương trình đáng học tập và cần ghi chép cẩn thận để đọc lại nhiều lần. Đó là 2 chương trình: “Gương người tốt, việc tốt” và “Ngày này năm xưa”. Nếu ta chịu khó chăm chú lắng nghe, có ghi chép, có thảo luận sẽ thấy nhiều tấm gương bổ ích về cuộc sống lạc quan của những người tốt đang sống quanh ta và những gương anh hùng, gương các nhà khoa học, nhà phát minh danh tiếng trên toàn thế giới.
Xin mượn cảm xúc lạc quan của nhà văn Maxwell Elsa để kết thúc bài viết: “Sáng nào cũng vậy, khi tôi thức dậy tôi đều tin chắc rằng sắp có sự việc thích thú xảy ra và quả thực, tôi đã không bao giờ phải thất vọng”.
Cho dù tôi biết ngày mai thế giới này sẽ tan thành mảnh vụn, tôi vẫn sẽ trồng cây táo của mình”
Martin Luther