Nguồn gốc và hình tướng quỷ Dạ Xoa

Admin
NSGN - Trên cửa miệng, hàng ngày, chúng ta thường nghe nói đến cụm từ “quỷ Dạ Xoa” trong các cuộc khẩu chiến. Lại nữa, thế nhân cũng có thêm cụm từ “bà chằn”, “bà La Sát”... Phổ biến là vậy nhưng nguồn gốc và hình tướng của Dạ Xoa, La Sát lại rất mơ hồ. Ở bài viết này xin truy cứu đôi điều về “quỷ Dạ Xoa”. Và La Sát sẽ đề cập trong một dịp khác.

NSGN - Trên cửa miệng, hàng ngày, chúng ta thường nghe nói đến cụm từ “quỷ Dạ Xoa” trong các cuộc khẩu chiến. Lại nữa, thế nhân cũng có thêm cụm từ “bà chằn”, “bà La Sát”... Phổ biến là vậy nhưng nguồn gốc và hình tướng của Dạ Xoa, La Sát lại rất mơ hồ. Ở bài viết này xin truy cứu đôi điều về “quỷ Dạ Xoa”. Và La Sát sẽ đề cập trong một dịp khác.

Dạ Xoa trong các ngôn ngữ có nhiều tên gọi khác nhau: Yaksha (Sanskrit), Yakkha (Pali), Hoa:Yecha, Nhật: Yasha, Tạng: Gnod-shyin, Khmer: Yăk (được gọi theo tiếng Việt là Chằn), Thái:Yak/ Nhak (1) . Trong kinh văn Hán ngữ, Yasha được phiên âm là Dược-xoa (dịch ý: chiến thắng bệnh tật, uy đức), Duyệt-xoa, Dã-xoa và được dịch: Khinh tiệp, Dũng kiện, Năng đạm, Quý nhân, Oai đức, Từ tế quỹ, Tiệp tật quỷ. Ý của từ Dạ Xoa là Quỷ Năng Đạm (Quỷ cám dỗ), Quỷ Tiệp Tật (Quỷ thoắt hiện thoắt ẩn), Khinh Tiệp (nhanh như chớp), Dũng Kiện (khỏe mạnh)(2) . Về giới tính, bên cạnh Dạ Xoa còn có Dạ Xoa nữ (Phạn: Yaksi hoặc Yakshini; Yakshini cũng gọi là Yaksini hay Yaksi và Yakkhini trong tiếng Pali). 

1. Yaksha vốn là tên gọi chỉ một loại nhiên thần, thường là nhân từ, là kẻ trông coi kho tàng châu báu tự nhiên ẩn giấu trong đất hay rễ cây. Chúng thường xuất hiện trong các thần thoại Hindu giáo lẫn Kỳ-na giáo và Phật giáo.

Trong thần thoại Hindu, Kỳ-na (Jainism) và Phật giáo, yaksha/yakshini có tính cách hai mặt. Một mặt, yaksha là vị tiên xinh đẹp vô thưởng vô phạt, được nối kết với rừng, núi. Nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại một kiểu yaksha nham hiểm, cay độc, đôi khi giống ma quỷ (bhuta) ở những nơi hoang vu vắng vẻ, thường rình rập để ăn tươi nuốt sống/ngấu nghiến những lữ khách tương tự như La Sát (raksasa).

Trong bài thơ Kalidasa Meghaduta, cho thấy yaksha là một nhân vật lãng mạn: yaksha mòn mỏi/khát khao yêu thương vì nỗi nhớ mong người yêu dấu. Ngược lại, trong đối thoại giáo khoa Hindu “Câu hỏi của yaksa” của Yaksaprasnah, yaksha là một thần bảo hộ cho một hồ nước, thách thức Yudhisthira. Khởi phát yaksha có thể là những vị thần bảo vệ rừng và làng mạc; sau đó, được quan niệm như các vị thần thống quản trần gian và của cải dưới đất.

Yakshini và Yaksha, cả hai đều là người hầu cận của Kubera, vị thần Tài cổ xưa của xứ Ấn Độ. Trong kinh Vệ Đà, Kubera (còn viết là Kuvera) là vị thống quản cả quỷ hoặc thần linh sống trong bóng tối, tức một loại Diêm vương và được gọi tên theo cha là Vaisravana. Về sau, Kubera được hiểu theo nghĩa khác: thần Tài/ thần của cải và là chủ tướng của chúng Dạ Xoa và Guhyaka (âm thần ẩn hình, canh giữ kho báu bí mật). Cung điện của Kubera là Alaka trên dãy Himalaya và khu vườn Chaitra-ratha ở Madrara, một trong các đỉnh của ngọn núi trung tâm vũ trụ Meru/ Tudi sơn. Theo sử thi Ramayana (và cả Mahabharata), Pulastya được sinh ra từ ý tưởng của thần Brahman. Vaisravana/ Kubera là con của Pulastya. Thế nhưng, Vaisravana rất gắn bó, dành trọn tình thương và tôn kính với ông nội. Điều đó đã khiến Pulastya rất đố kỵ. Brahman luôn khen ngợi Vaisravana và đã ban cho đứa cháu cưng đặc ân bất tử, cắt cử Vaisravana làm chúa tể tất cả các kho báu của cải quý giá trong thế gian và bổ nhiệm cho Vaisravana làm vua xứ Lanka (được đoán định là Tích Lan/ Sri Lanka). Giận dữ tột cùng, Pulastya tự phân thân mình sinh ra đứa con thứ hai là Vaisravas – một đứa em căm ghét anh mình không thua kém người cha. Để làm dịu lòng cha, Vaisravana đã dâng cho cha ba cô La Sát nữ Rakshasi xinh đẹp. Một cô sinh ra Ravana và Kumbhakarna; một cô khác sinh ra Vibhishana; và cô thứ ba sinh ra Rapa , Khara và Surpanakha. Những người con này của Pulastya cũng rất đố kỵ với sự giàu có của người anh Vaisravana. Do vậy, họ kiên trì thực hành việc khổ hạnh và nhận được đặc ân thần thánh của ông nội Brahman. Với sức mạnh có được từ đặc ân thần thánh này, họ chống lại Vaisravana. Ravana tấn công Vaisravana và trục xuất Vaisravana ra khỏi Lanka(3).

Trên đây là những nét chính yếu về dòng dõi của các Yaksha. Đối với các quốc gia “Ấn hóa” ở Đông Nam Á, tín niệm về Yaksha thậm nhập sâu sắc bắt nguồn từ sự lưu truyền của sử thi Ramayana. Sử thi này được coi là sáng tác văn học nền tảng, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong văn hóa Sri Lanka , Miama, Lào, Cambốt, Thái Lan... Các dị bản Ramayana của từng quốc gia (Phra Lak - Phra Lam của Lào; Riêm Kê của Cambốt, Rama Kiên của Thái Lan...) không chỉ là các sáng tác văn học để kể/ đọc mà còn từ đó tạo ra các sản phẩm sân khấu, các hình thức diễn xướng dân gian và vô vàn các tác phẩm điêu khắc, trang trí, hội họa. Theo đó, các tín niệm và hình tướng Yaksha thâm nhập vào tâm thức cộng đồng một cách rất sâu đậm(4)

2. Trong thần thoại Hindu, Yaksha là loại sinh linh siêu nhiên, thuộc hạ của thần Tài Kubera. Tuy nhiên, một số nguồn dữ liệu khác không thừa nhận nguồn gốc này. Chẳng hạn, loại Dạ Xoa nữ/Yakshi được xác định là thuộc hạ của nữ thần Durga - vợ của thần Shiva; hoặc truy nguyên về xa xôi hơn: Yaksha là con của Kasyapa và các bà vợ, vốn là con gái của Daksha - một hiền triết thời Vệ Đà - được tôn là Praja-pati/cha của nhân loại(5). Chúng không có thuộc tính đặc biệt nào, nhưng nói chung chúng được coi là vô hại, và vì vậy được gọi là Punya-janas, tức “người tốt”; song có lúc chúng xuất hiện như một loại yêu tinh với hình tướng dữ dằn, đáng sợ.

Trong nghệ thuật Ấn Độ, Yaksha được thể hiện có khi như những chiến binh rụt rè, có lúc lại bệ vệ, kiên cường/to khỏe nhưng thấp lùn.

Ở Nhật Bản, nói chung, những vị bán thần này được biểu thị như là những nam tử hảo hán cường tráng to khỏe, chắc nịch, thường chỉ mặc một mảnh vải khoác sơ sài. Họ thường được miêu tả với râu ria rậm rạp dựng lên tua tủa, mắt lồi như ốc nhồi. Đôi khi họ được trình bày mang mũ miện và vòng hoa tai, nhưng nói chung họ không có tùy khí đặc biệt nào. Hình tướng Yaksha Ấn Độ và Nhật Bản về tổng thể có sự tương đồng. Yaksha tuồng như đã sáp nhập với những linh vật thần thoại của văn hóa dân gian bản địa Nhật Bản(6).

Ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Java, Yaksha đảm nhận vai trò những thần canh giữ đền chùa. Yaksha (Thái Lan: Yak) là một yếu tố quan trọng trong mỹ thuật và kiến trúc đền chùa Thái Lan. Yaksha phổ biến như là người gác cổng trong khắp điện thờ Phật ít nhất là từ thế kỷ thứ 14. Những tượng gốm Yaksha được sản xuất ở Thái Lan trong suốt thời kỳ Sukhothai và Ayutthaya, giữa thế kỷ XIV và XVI, tại dăm ba lò nung phức hợp tọa lạc ở Bắc Thái Lan. Yaksha được mô tả phần lớn chú trọng vào đặc điểm khuôn mặt dữ dằn với cặp mắt tròn lồi/phồng lên và răng nanh lòi ra ngoài, cũng như nước da xanh lục. Tương tự, chùa tháp Khmer, Yaksha (được gọi là Yăk) cũng là những thần canh giữ. Thường được tạo hình từng cặp đôi, bố trí hai bên cửa, cổng và bậc cấp. Ngoài khuôn mặt “chằn” dữ dằn với cặp nanh ngoặt ra hai bên mép, hình tướng cơ bản được tạo tác dưới dạng võ tướng: trang phục bó chẽn vào thân, vũ khí là chiếc chày vồ, dựng đứng giữa hai chân, hai tay khuỳnh ngang rốn nắm lấy cán chày.

Nói chung, hình tướng của Yaksha trong mỹ thuật chùa tháp Phật giáo Nam truyền có phần trang nghiêm hơn so với các Yaksha trên sân khấu cổ điển của các quốc gia Đông Nam Á này. Đặc điểm khác biệt là ở bộ mặt nạ sân khấu, tùy theo thứ bậc của từng vai diễn, Yaksha có thể có từ 5, 3, 2 hay một tầng đầu, có một hay 4 mặt khác nhau. Số lượng tầng đầu và mặt biểu thị tài phép của từng loại Yaksha. Điểm khác biệt chính ở đây là Yaksha canh gác chùa tháp là loại Dạ Xoa đã quay đầu hướng thiện, chí nguyện hộ pháp. Còn các Yaksha trên sân khấu (chủ yếu là các trích đoạn từ những dị bản của sử thi Ramayana) là loại chằn ác, thuộc phe phản diện, đối tượng khuất phục của phe chính diện - đại biểu cho chính nghĩa và cái thiện.

Đạo Kỳ-na chủ yếu thờ tượng thần Arihant và Tirthankara, kẻ chế ngự những đam mê bên trong và đạt được địa vị thần thánh. Một vài tín đồ đạo này cũng tin rằng Yaksha và Yakshini chăm lo sự hạnh phúc và sức khỏe cho Tirthankara. Thông thường, chúng được tìm thấy đâu đó bên cạnh tượng thần, gồm một cặp tượng Yaksha và Yakshini. Đó là những vị thần bảo vệ/canh gác. Yaksha thông thường đứng ở bên phải tượng thần Jina và Yakshini ở bên trái. Ở những thời kỳ sớm hơn, Yaksha và Yakshini được xem là những tín đồ sùng đạo của tôn giáo này và có sức mạnh/năng lực siêu nhiên. Yaksha cũng lang thang trong suốt chu kỳ sinh tử giống như người trần tục, nhưng chúng có sức mạnh siêu nhiên. Do đó, những Yaksha và Yakshini này cũng bắt đầu được thờ cúng .

Phái Som của đạo Kỳ-na chú trọng vào hiệu quả tức thì khi cúng tế nên đặt Yaksha và Yaksani trong điện thờ của họ. Một vài Yaksha được biết sẽ ban cho thịnh vượng và giàu có cho người sùng tín họ. Do đó, các Yaksha này trở nên rất phổ biến: những tượng Yaksha được đặt trong các điện thờ đạo Kỳ-na và thờ cúng thường xuyên. Những tín đồ đạo Kỳ-na cũng dâng cúng họ để cầu xin các Yaksha ban ân huệ tốt đẹp cho đứa trẻ, sự giàu có hay sự giải thoát khỏi sợ hãi, đau ốm, bệnh tật(7).

Khác với hình tướng dữ dằn của Yaksha, Yakshi được mô tả với đặc trưng của một người phụ nữ trẻ khỏa thân có khuôn mặt tròn, mỉm cười, hông rộng, eo thon, vai rộng và ngực tròn đầy. Yakshi thường được miêu tả cường điệu hóa - theo trường phái nhục cảm - để tăng vẻ uyển chuyển, quyến rũ của người phụ nữ nhằm liên kết họ với sự sung mãn và phì nhiêu. Trong Uddamareshvara Tantra, 36 Yakshi được miêu tả bao gồm cả những câu thần chú và những quy định lễ nghi. Tương tự danh sách Yaksha, Yakshi cũng được nêu ra trong Tantraraja Tantra. Cuốn sách này cũng nói rằng những sinh vật này là những kẻ ban tặng mọi thứ mà thế nhân mong cầu.

Ba di tích nổi tiếng của Phật giáo Ấn Độ, Bharhut, Sanchi và Mathura , đã tạo tác một số lượng lớn những mẫu trang trí Yakshi. Chúng phổ biến trên hầu hết những cột trụ rào chắn của tháp. Yakshi thường được thể hiện với cánh tay vươn lên chạm vào một nhánh cây và thân hình uốn éo uyển chuyển (Phạn: tribhanga có nghĩa là 3 điểm uốn cong); vì vậy, một vài tác giả cho rằng người phụ nữ trẻ đứng tại gốc cây này là dựa vào vị thần cây cổ đại(8).

Cây ashoka thường được kết nối với sinh vật thần thoại Yakshi. Đây cũng là một trong những yếu tố thường lặp lại trong mỹ thuật Ấn Độ. Loại tượng này thường thấy ở cổng nhiều điện thờ Phật giáo và Hindu: Yakshi đứng trên thân cây/vòi voi vói tay nắm nhánh cây hoa ashoka nở cách điệu hay ít phổ biến hơn lá cây với hoa và quả. Như một yếu tố mỹ thuật, cây và Yakshi là những chủ thể hướng tới sự cách điệu hóa triệt để.

Một số tác giả cho rằng người phụ nữ trẻ đứng tại gốc cây là xuất phát từ biểu tượng cây cổ thụ xum xuê của tiểu lục địa Ấn Độ. Yakshi là yếu tố trang trí quan trọng ở các công trình kiến trúc Phật giáo buổi đầu và chúng được tìm thấy ở các di chỉ khảo cổ học Phật giáo cổ xưa. Yakshi trở thành Salabhanjika (thiếu nữ/trinh nữ cây chai); trải qua nhiều thế kỷ, đây là yếu tố trang trí chuẩn mực của điêu khắc/tượng và kiến trúc điện thờ Ấn Độ.

Cây chai (shorea robusta) thường bị nhầm với cây ashoka (saraca indica) trong văn học cổ của tiểu lục địa Ấn Độ. Kiểu thức Salabhanjika cũng được xác định là hình mẫu của tư thế hoàng hậu Maya khi bà sinh Thái tử Siddhārtha dưới cây asoka trong vườn ở Lumbini. Hoàng hậu vói tay nắm lấy cành cây vô ưu asoka và Thái tử sinh ra từ hông...(9) (10).

Tuy được gắn với tín niệm phồn thực, biểu thị sự phong nhiêu của cây trồng, song ở Nam Ấn Độ, Yakshi không được xem là sinh vật nhân từ. Chúng được cho là kẻ rình rập những người đàn ông, quyến rũ họ bằng vẻ đẹp của chúng để uống máu họ. Như vậy, tính chất hai mặt của loại sinh linh này luôn được bảo lưu trong tâm thức văn hóa-tín ngưỡng của người Ấn. Điều đó, tuồng như cũng xảy ra tương tự trong kinh văn Phật giáo.

3. Trong tín niệm Phật giáo, Dạ Xoa/Yaksha là loài quỷ ở trên mặt đất hoặc trong hư không, dùng oai thế não hại người, hoặc dùng oai thế giữ gìn Chánh pháp; là một trong 8 bộ chúng. Về chủng loại, loài chúng sanh Dạ Xoa được nêu ra gồm 3 thứ: 1/ Địa hành Dạ Xoa: có phước báu hưởng thụ âm nhạc, thức uống ăn và các sự vui sướng khác; 2/ Hư không Dạ Xoa: có sức mạnh và đi nhanh như gió; 3/ Cung điện phi hành Dạ Xoa: có được đầy đủ tiện nghi và hưởng được sự sung sướng (theo Dạ Xoa luận Đại trí độ, 12)(11).

Như vậy, tính cách hai mặt cố hữu của Dạ Xoa được bảo lưu trong tín niệm Phật giáo và biểu hiện cụ thể trong kinh văn có những tình tiết đặc biệt đa dạng.

a) Ở đây đó trong kinh văn Phật giáo, chúng ta thấy việc bảo lưu tín niệm về sự thống quản Dạ Xoa của Tỳ-sa-môn Thiên Vương/Vaisravana. Theo kinh Đại hội, trong Trường A-hàm 12 (luận Đại tỳ-bà-sa 133, luận Thuận chánh lý 31...): Dạ Xoa chịu sự thống lãnh của Tỳ-sa-môn Thiên vương (Vaisravana) và bảo vệ chư thiên các cõi trời như Đao Lợi,... hưởng được các sự vui sướng và có oai thế. Theo Đại nhật kinh sớ 5 ghi: trong Kim cang bộ ngoài Mạn-đồ-la Thai Tạng giới, ở cửa Bắc thờ trời Tỳ-sa-môn, hai bên vị trời này có vẽ 8 vị đại tướng Dạ Xoa: Ma-ni Bạt-đà-la, Bố-lỗ-na-bạt-đà-la, Bán-chi-ca, Sa-đa-kỳ-lý, Hê-ma-phược-đa, Tỳ-sái-ca, A-tra-phược-ca và Bán-già-la (12) .

Tín niệm Dạ Xoa là tùy tướng/thuộc hạ của Tỳ-sa-môn Thiên Vương - vị thần Hộ quốc và là thần Tài Lộc - xuất hiện ở xứ ta thông qua truyền thuyết Thánh Gióng/Phù Đổng Thiên Vương với nhiều tình tiết “lịch sử hóa” đã làm khuất lấp đi tín niệm nguyên bản. Theo ghi chép trong Việt điện u linh, vị Thiên vương này được/bị thờ làm thần Thổ Địa chùa Kiến Sơ; và sau đó, được Lý Thái Tổ sai thợ đắp tượng thần và lại “sai đắp 8 pho tượng đứng hầu(13). Đây chính là 8 đại tướng Dạ Xoa, bộ hạ lưu xuất của Vaisravana đã nói trên(14). Nói cách khác, đây là chứng tích về sự có mặt của tín niệm Dạ Xoa – thuộc hạ của Tỳ-sa-môn Thiên Vương ở xứ ta vào trước thời nhà Lý.

Trong kinh Dược Sư Như Lai bổn nguyện công đức, chúng ta tuồng như nhận ra dị bản motif Tỳ-sa-môn Thiên Vương và tùy tướng Dạ Xoa: 12 vị Dạ Xoa thần tướng thệ nguyện ủng hộ những người trì kinh Dược sư. Mười hai vị ấy có bạch Phật rằng như có ai bệnh thì nên tụng kinh Dược sư, kế lấy sợi tơ ngũ sắc mà kết danh hiệu 12 vị ấy vào đàn, khi lành bệnh thì lấy ra. Mười hai vị Dạ Xoa ấy là: 1/ Cung-tỳ-la đại tướng, 2/ Phạt-chiết-la đại tướng, 3/ Mê-xí-la đại tướng, 4/ An-để-la đại tướng, 5/ Át-nễ-la đại tướng, 6/ San-để-la đại tướng, 7/ Nhơn-đạt-la đại tướng, 8/ Ba-di-la đại tướng, 9/ Ma-hổ-la đại tướng, 10/ Chơn-đạt-la đại tướng, 11/ Chiêu-đổ-la đại tướng, 12/ Tỳ-yết-la đại tướng.(15)

b) Một trong sự tích bản sinh của Phật giáo đề cập đến Dạ Xoa là truyện có tựa đề là Cù Lâu vương nghe kệ cho vợ, rằng: Cù Lâu vương chí nguyện cầu pháp. Tỳ-sa-môn Thiên Vương bèn hóa thành Dạ Xoa đến thử lòng nhà vua. Thiên Vương đặt điều kiện: ăn thịt vợ con của vua rồi mới thuyết pháp, nói kệ cho nghe. Cù Lâu vương đồng ý. Dạ xoa ăn thịt vợ con của vua xong, liền vì vua thuyết kệ cho vua nghe. Xong đâu đó, Tỳ-sa-môn làm phép: vợ và con vua được sống lại(16).

Trong câu chuyện trên, đằng sau nội dung khuyến đạo, khuyến tu là việc ăn thịt người của Dạ Xoa. Thuộc tính ác của Dạ Xoa cũng được xác định trong kinh Đại cát nghĩa thần chú 3: Các thứ quỷ Dạ Xoa, La Sát thường biến ra các hình tượng như sư tử, voi, cọp, nai, ngựa, trâu, lừa, lạc đà, dê... hoặc đầu to mà thân nhỏ, hoặc bụng lớn có một đầu mà hai mặt, ba mặt,... tay cầm dao, giáo, kiếm... tướng trạng đáng sợ, khiến người kinh hãi, có thể làm cho người trông thấy bị mất vía rồi hút lấy tinh khí(17).

Chính vì tính hung ác làm hại chúng sanh nên trong phẩm Phổ môn (kinh Diệu pháp liên hoa) có ghi việc xưng tụng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát để ngăn “bọn quỷ Dạ Xoa, La Sát” hãm hại.

c) Nói chung, tính chất hai mặt của Dạ Xoa được bảo lưu trong tín lý Phật giáo nên trong từng bản kinh, Dạ Xoa được biểu hiện là thiện hay ác khác nhau. Một trong kiểu mẫu tiêu biểu, điển hình cho tính cách chủng loài là chuyện Dạ Xoa Alavaka trong kinh Tương ưng X.12, ghi lại cuộc đối thoại giữa Đức Phật và Alavaka:

Một thời Thế Tôn trú ở Alavi, tại trú xứ của dạ xoa Alavaka. Rồi dạ xoa Alavaka nói với Thế Tôn: Này Sa-môn, hãy đi ra!

Lành thay, hiền giả, Thế Tôn nói và đi ra.

Này Sa-môn, hãy đi vào.

Lành thay, hiền giả, Thế Tôn nói và đi vào.

Lần thứ hai, ... Lần thứ ba, dạ xoa Alavaka nói với Thế Tôn: Này Sa-môn, hãy đi ra.

Lành thay, hiền giả, Thế Tôn nói và đi ra.

Này Sa-môn, hãy đi vào.

Lành thay, hiền giả, Thế Tôn nói và đi vào.

Lần thứ tư, dạ xoa Alavaka nói với Thế Tôn: Này Sa-môn, hãy đi ra.

Này hiền giả, ta không đi ra. Hãy làm gì ông nghĩ là phải làm.

Này Sa-môn, ta sẽ hỏi ông một câu hỏi. Nếu ông không trả lời ta được, ta sẽ làm tâm ông điên loạn, hay ta làm ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta sẽ quăng ông qua bờ bên kia sông Hằng.

Này hiền giả, Ta không thấy một ai ở thế giới chư Thiên, Ma giới hay Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người có thể làm tâm Ta điên loạn, hay làm bể tim Ta, hay nắm lấy chân, quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này hiền giả, hãy hỏi đi như ông muốn.

Alavaka: Cái gì đối với người đời/ Là tài sản tối thượng?/ Cái gì khéo hành trì/ Đem lại chơn an lạc?/ Cái gì giữa các vị/ Là vị ngọt tối thượng?/ Phải sống như thế nào/ Được gọi sống tối thượng?

Thế Tôn: Lòng tin đối người đời/ Là tài sản tối thượng/ Chánh pháp khéo hành trì/ Đem lại chơn an lạc/ Chân lý giữa các vị/ Là vị ngọt tối thượng/ Phải sống với trí tuệ/ Được gọi sống tối thượng.

Alavaka:Làm sao vượt bộc lưu?/Làm sao vượt biển lớn?/Làm sao siêu khổ não?/Làm sao được thanh tịnh?

Thế Tôn: Với tín, vượt bộc lưu/ Không phóng dật, vượt biển/ Tinh tấn, siêu khổ não/ Với trí, được thanh tịnh.

Alavaka:Làm sao được trí tuệ?/Làm sao được tài sản?/Làm sao đạt danh xưng?/Làm sao kết bạn hữu?/Đời này qua đời khác,/Làm sao không sầu khổ?

Thế Tôn: Ai tin tưởng Chánh pháp/ Của bậc A-la-hán/ Pháp ấy khiến đạt được/ Niết-bàn (chơn an lạc)/ Khéo học, không phóng dật/ Minh nhãn khéo phân biệt/ Nhờ hành trì như vậy/ Vị ấy được trí tuệ/ Làm gì khéo thích hợp/ Gánh vác các trách nhiệm/ Phấn chấn, thích hoạt động/ Như vậy được tài sản/ Chơn thật đạt danh xưng/ Bố thí kết bạn hữu/ Đời này qua đời khác/ Như vậy không sầu khổ / Tín nam gia chủ nào/ Tìm cầu bốn pháp này/ Chơn thực và chế ngự/ Kiên trì và xả thí/ Vị ấy sau khi chết/ Không còn phải sầu khổ/ Đời này qua đời khác/ Sau chết, không sầu khổ /Ta muốn ông đến hỏi/ Sa-môn, Bà-la-môn/ Có những pháp nào khác/ Tốt hơn bốn pháp này: /Chơn thực và chế ngự/ Xả thí và kham nhẫn.

Alavaka: Làm sao nay ta hỏi/ Sa-môn, Bà-la-môn/ Khi nay ta được biết/ Nguyên nhân của đời sau/ Phật đến Alavi/ Thật lợi ích cho ta/ Nay ta được biết rõ/ Cho gì được quả lớn/ Nên ta sẽ bộ hành/ Làng này qua làng khác/ Thành này qua thành khác/ Đảnh lễ Phật Chánh giác/ Cùng đảnh lễ Chánh pháp/ Các vị chứng Pháp tánh.

(HT. Minh Châu dịch Việt).

*

Nói chung, Dạ Xoa có nguồn gốc là những vị nhiên thần tiền Phật giáo của Ấn Độ thời viễn cổ. Chúng được thu nạp vào thần điện Phật giáo như là những người hộ vệ cho Phật pháp và cũng được coi là những tinh linh tự nhiên. Khi thuyết về địa ngục được lưu hành, Dạ Xoa với thân phận là tiểu quỷ dưới âm quan lại có mặt ở các địa ngục làm nhiệm vụ của tên quỷ sứ thi hành các hình phạt. Có thể do ảnh hưởng của thuyết về địa ngục quá lớn, nên dân gian đồng nhất Dạ Xoa với chúng quỷ cõi âm: dữ ác và xấu xí mà quên đi Dạ Xoa là một loài chúng sanh trong bát bộ chúng, trong đó lắm Dạ Xoa phát khởi thiện tâm, quy y Phật, thường đến cung kính nghe Đức Phật thuyết pháp.  

 Chú thích

(1) Xem Franklin Edgerton, Buddhist hybrid Sanskrit grammar and dictionary, tập 2, Motilal Banarsidass, 1953.

(2) Xem Mã Thư Điền, Các vị thần trong Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2002.

(3) Xem R. S. Gupte, Iconography of the Hindus, Buddhists and Jains. D. B. Taraporevala sons & Co; Bombay , tr.51-52.

(4) Xem Huỳnh Ngọc Trảng, Chằn trong sân khấu Khmer đồng bằng sông Cửu Long, trong kỷ yếu Về sân khấu truyền thống Khmer Nam bộ, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Sóc Trăng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP.HCM, 1998, tr.117-128.

(5) Xem John Dowson, Classical dictionary of Hindu mythology and religion... Rupa. Co. 2004; tr.76-79, 153.

(6) Xem Meher McArthur, Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, 2005.

(7) Xem Pramodaben Chitrabhanu, Jain symbols, ceremonies and practices.

(8) Xem Heinrich Zimmer, Myths and symbols in Indian art and civilization, 1946.

(9) Xem Buddhistische Bilderwelt, Hans Wolfgang Schumann, Ein ikonographisches hansbuch des Mahayana - und Tantrayana - Buddhismus, Eugen Diederichs Verlag. Cologne .

(10) Xem Eckard Schleberger: Die indische Gotterwelt. Gestalt, Ausdruck und Sinnbild, Eugen Diederich Verlag. Cologne .

(11) (12) (17) Xem Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 2, tu viện Huệ Quang, 1995.

(13) Xem Việt điện u linh, bản dịch của Trịnh Đình Rư, Nxb. Văn Học tb, H; 1972, tr.90-93.

(14) Xem thêm Huỳnh Ngọc Trảng, Nói thêm về Thánh Gióng và hội Gióng, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 36, 2007, tr.15-19.

(15) Xem Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2011.

(16) Xem Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch), Tủ sách bách khoa Phật giáo: Nghệ thuật Phật giáo, Nxb. Tôn Giáo...?

Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)