Mày mò sáng tạo, anh Lê Thanh Duy (TP.HCM) đã tự tay tạo ra thế giới tí nho với mô hình phong cảnh làng quê miền Tây đầy mộc mạc, thân thương.
Lê Thanh Duy từng học ngành kiến trúc công trình của Trường đại học Văn Lang. Chàng trai miền Tây đam mê thiết kế và sản xuất mô hình phong cảnh, nhân vật…, Đặc biệt, mô hình làng quê thu nhỏ của anh được cộng đồng mạng yêu thích.
Tái hiện cuộc sống miền Tây qua mô hình đất sét
Khi đang lướt Pinterest để tìm ý tưởng mới, Thanh Duy vô tình thấy các tác phẩm của những nghệ nhân nước ngoài. Ban đầu anh chỉ biết trầm trồ vì sự tinh tế, tỉ mỉ của từng món đồ nhỏ xíu. Sau đó anh quyết định mày mò làm thử.
Khi làm mô hình đầu tiên, Thanh Duy gặp nhiều khó khăn vì phải chạy khắp nơi để tìm cho đủ nguyên vật liệu, rồi học cách làm từng thành phần trong mô hình qua video…
Thanh Duy chia sẻ: "Điều khó khăn khi bước vào bộ môn diorama/miniature này là nhiều nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài. Thông thường mình sử dụng mút xốp và thạch cao cho các tiểu cảnh diorama. Do thạch cao có thể tạo ra các bề mặt tương tự các địa hình thực tế nên rất phù hợp để làm phần đất cho mô hình. Bên dưới phần đế thì mình dùng mút xốp dày để giảm độ nặng cho mô hình".
Thú chơi đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ...
Tuỳ vào độ khó của mô hình, thời gian làm sẽ ngắn hay dài. Mô hình tiểu cảnh yêu thích nhất của Thanh Duy là Đường về quê miền Tây. Đây là mô hình lớn và phức tạp nhất anh từng thực hiện.
Thanh Duy đã miệt mài làm từ trước đến sau khi kết thúc dịch COVID-19. Khó nhất vẫn là bố cục, phải sắp xếp các thành phần sao cho chụp góc nào nhìn cũng đẹp, vẫn ra khung cảnh, không khí của miền Tây Nam Bộ.
Miền Tây là quê hương của Thanh Duy. Trong suốt quá trình làm, anh đã tham khảo rất nhiều tư liệu về miền Tây, các bộ phim ngày xưa như Đất phương Nam.
Những hình ảnh quen thuộc như vó kéo cá, anh bán chiếu trên ghe, đàn vịt trên sông chiều… được bạn tái hiện. Tất cả nhằm mang lại cảm xúc thật nhất, sống động nhất cho mô hình.
Duy cũng gặp một kỷ niệm khó quên khi mày mò làm mô hình. Anh từng phải bỏ đi cả một mô hình hồ Tuyền Lâm có kích thước lớn. Lý do chính là do Duy nhận thấy bố cục chưa đẹp và không có cách nào sửa lại được khi đã hoàn thành.
Hay với mô hình Đường về quê miền Tây, anh cũng phải cắt bỏ phần sông nước và làm lại nó sau khi resin đông đặc lại và bị nứt…
"Những thất bại đó có thể làm những bạn mới biết làm mô hình rất nản nhưng nó là cần thiết để bạn có thể tránh lặp lại lỗi sai cho những mô hình sau" - Thanh Duy chia sẻ thêm.
- x1
- x5
- x10
Hoặc nhập số sao