Giáng sinh là lễ hội lớn nhất trong năm của cộng đồng Công giáo, kỷ niệm sự ra đời của chúa Giê-su. Thế nhưng, nhân vật đặc biệt được cháo đón nhất vào dịp này lại là “Ông già Nô en" - với hình ảnh phổ biến là một ông già tròn đầy phúc hậu với bộ râu trắng như tuyết, diện bộ đồ màu đỏ, khoác trên vai túi quà dành cho những đứa trẻ ngoan.
Đã bao giờ bạn tự hỏi về nguồn gốc và vì sao ở đất nước Việt Nam nhiệt đới gió mùa, chúng ta cũng quen thuộc với hình ảnh của một nhân vật đến từ Bắc Cực này đến thế không?
1. Hình tượng ông già Nô-en thay đổi qua nhiều thế kỷ
Sự ra đời của ông già Nô-en có rất nhiều giai thoại từ mỗi quốc gia khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, phiên bản được biết đến nhiều nhất có lẽ là hình ảnh ông già Nô-en được lấy nguyên mẫu từ Thánh Nicholas trong thế kỷ thứ IV, người thường hay phát tiền xu cho trẻ em nghèo. Một số phiên bản khác cho rằng ông già Nô-en là một yêu tinh cao gầy, mặc áo choàng giám mục theo hình mẫu thánh Nicholas cùng áo da như của thợ săn Bắc Âu.
Một trong những người mang đến hình ảnh ông già Nô-en hiện đại là nhà thơ Clement Clark Moore vào năm 1822 với bài thơ “Chuyến thăm từ Thánh Nicholas” (The Night Before Christmas). Trong bài thơ, ông đã mô tả Thánh Nicholas là một yêu tinh già mũm mĩm, vui tính, mặc toàn bộ lông thú và để râu trắng.
Năm 1862, họa sĩ vẽ tranh biếm họa Thomas Nast đã vẽ một bức tranh về ông già Nô-en cho báo Harper’s Weekly. Phiên bản ông già Nô-en đó tương tự như của Moore, nhưng với bộ đồ gồm các ngôi sao và kẻ sọc để phù hợp với thông điệp ủng hộ Liên minh trong truyện tranh thời Nội chiến của ông. Bức vẽ của Nast trở nên nổi tiếng và ông tiếp tục cho ra những phiên bản khác nhau hàng năm trên Harper’s Weekly. Hình ảnh ông già Nô-en gần nhất với ngày nay được Nast sáng tác vào năm 1881, có tựa đề “Ông già Nô-en vui vẻ” (Merry Old Santa Claus).
Nguồn ảnh: Macculloch Hall Historical Museum
2. Cách ông già Nô-en hiện đại trở nên phổ biến
Làm cách nào mà một “yêu tinh già" mặc áo giám mục lại trở thành một ông già râu trắng phúc hậu với bộ trang phục đỏ đi ủng như ngày nay?
Được biết, một trong những tác nhân dẫn đến sự “biến hoá" này đến từ hoạt động quảng cáo của một thương hiệu rất quen thuộc: Coca-Cola.
Vào những năm 1920, Coca-Cola bắt đầu đưa ông già Nô-en có vẻ ngoài nghiêm khắc theo phong cách của Thomas Nast vào quảng cáo Giáng sinh của mình. Tuy nhiên, cuộc cách mạng thực sự đã xảy ra vào năm 1931 khi công ty ủy quyền cho Haddon Sundblom, một họa sĩ minh họa người Hà Lan, mô phỏng lại ông già Nô-en.
Để lấy cảm hứng, Sundblom đã đọc bài thơ "A Visit From St. Nicholas" năm 1822 của Clement Clark Moore. Mô tả của Moore về Thánh Nick đã dẫn đến hình ảnh một ông già Nô-en ấm áp, thân thiện, to béo và giống con người. Thông qua quảng cáo, phim ảnh, hình tượng ông già Nô-en hiện đại này đã ảnh hưởng tới hàng triệu con người trên toàn thế giới trong suốt hơn một thế kỷ qua.
3. Hình tượng ông già Noel hiện đại ảnh hưởng đến nền văn hóa đại chúng
Đến nay, khi nhắc tới ông già Noel, chúng ta thường liên tưởng ngay đến ông già to béo, vui vẻ và phúc hậu, mặc bộ quần áo màu đỏ cùng bộ râu trắng. Hình ảnh này đã hằn sâu trong tâm trí mỗi người và được xem là một phần của văn hóa đại chúng. Thậm chí, từ điển Oxford định nghĩa ông già Noel như sau: Santa Claus is an imaginary old man with red clothes and a long white beard. Parents tell small children that he brings them presents at Christmas. (tạm dịch: Ông già Noel là sản phẩm của trí tưởng tượng, một người đàn ông già mặc bộ quần áo màu đỏ và có bộ râu trắng, dài. Cha mẹ nói với những đứa trẻ rằng ông ấy sẽ tặng quà cho chúng vào dịp Giáng sinh.)
Điều thú vị là, với việc được phổ biến rộng rãi trên Thế giới, hình ảnh Ông già Nô En còn góp phần tạo ra nhiều “văn hoá" mới trong cách thức chào đón Giáng sinh ở nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ ở Nhật - việc ăn gà KFC đã trở thành một thông lệ, do cảm xúc tương đồng giữa hình ảnh ông già Nô En râu trắng áo đỏ với ông già KFC...cũng râu tóc bạc phơ.
Kết
Nghe nói khi bạn đọc đến đây, tên của bạn đã nằm trong danh sách được ông già Nô En tặng quà vào năm nào đó rồi đáy!
Bạn thấy gì từ câu chuyện về lịch sử tiến hoá của hình ảnh ông già Nô En? Liệu sự phổ biến về hình ảnh của ông già Nô En tới Việt Nam có tạo ra thực hành văn hoá mới trong hoạt động chào đón Giáng sinh ở nước ta không?
Với những suy nghĩ như vậy, từ năm 2021, VAN•HOA cũng đã tưởng tượng hình ảnh về những ông già Nô En ở xứ nhiệt đới gió mùa sẽ như thế nào, và được minh hoạ bởi Designer Dương Minh Đức trong bộ sưu tập VinaSanta.
Và cũng như nhiều sự tiếp biến văn hoá vẫn đang diễn ra trong cuộc sống, năm nay, thế hệ VAN•HOA thứ 2 lại phát triển thêm các sáng tác mới về hình ảnh ông già Santa “made in Việt Nam" này. Mời các bạn thưởng lãm phiên bản VinaSanta 2.0 nhé!
Nguồn tham khảo: