Không thể phủ nhận sức hút của các nội dung về “hóa trang” và “biến hình” trên nền tảng TikTok nhưng liệu hình ảnh đại diện cho một tôn giáo như Đức Mẹ Maria có phù hợp để đu trend? Asoka, nàng mèo Toodles Galore, lan hồ điệp và nhiều hơn nữa các phong cách […]
Không thể phủ nhận sức hút của các nội dung về “hóa trang” và “biến hình” trên nền tảng TikTok nhưng liệu hình ảnh đại diện cho một tôn giáo như Đức Mẹ Maria có phù hợp để đu trend?
Asoka, nàng mèo Toodles Galore, lan hồ điệp và nhiều hơn nữa các phong cách makeup khác chứng tỏ sức hút đặc biệt của trend “biến hình” khi ghi nhận triệu lượt view và lượt thả tim trên nền tảng TikTok từ đầu năm 2024 đến nay. Các tạo hình độc đáo gây ấn tượng mạnh của các TikToker xuất hiện ngày càng nhiều, khiến người xem phải “mắt chữ A, mồm chữ O” vì độ đầu tư chỉn chu về kịch bản lẫn sản xuất hậu kỳ.
Gần đây nhất, xu hướng hóa trang hình tượng “Đức Mẹ sầu bi” khiến cộng đồng mạng, đặc biệt là những người theo đạo “dậy sóng” vì được cho là xúc phạm và làm sai lệch hình ảnh của một tôn giáo. Trào lưu hóa trang này bắt nguồn từ một video trên nền tảng Douyin (TikTok) của Trung Quốc phác họa nỗi buồn và sự đau đớn của Đức mẹ Maria trước sự ra đi của con mình là chúa Giêsu trên thập giá. Đây là một hình ảnh và khái niệm thiêng liêng đối với những người theo đạo Công giáo.
Ngay sau đó, một số TikToker tại Việt Nam đã tham gia “trend”, đầu tư về trang phục, kiểu tóc và layout makeup để tái hiện hình tượng này như Chang Nguyễn, Vân Miu, Katy,… Làn sóng “phẫn nộ” xuất hiện vì nhiều ý kiến cho rằng lối make-up đậm và lòe loẹt không tương thích với hình ảnh Đức Mẹ, thậm chí nhiều người còn phản đối việc sử dụng một hình tượng tôn giáo bất kỳ để theo trend và “câu view”. “Đôi môi bóng đậm son”, “kẻ mắt sắc kiểu Douyin” hay biểu cảm khuôn mặt không phù hợp là những bức xúc của cộng đồng mạng dành cho các sản phẩm của trào lưu này. Trái ngược với lối trang điểm đậm và “ăn hình”, Đức Mẹ Maria được cho là hình ảnh tiêu biểu đại diện cho những người phụ nữ đồng trinh sở hữu gương mặt phúc hậu, thánh thiện và giản dị.
Bên cạnh đó, việc không chọn lọc và sử dụng nhạc nền có ý nghĩa không phù hợp, cụ thể là “redrum” của 21 Savage kết hợp với hình tượng Đức Mẹ được cho là một hành động xúc phạm tôn giáo. Bày tỏ sự đồng cảm, một số người theo đạo giáo khác cũng cho rằng họ sẽ phản đối kịch liệt nếu hình tượng mình tôn thờ trở thành sản phẩm của một trào lưu.
Ngược lại, cũng có một số ý kiến cho rằng hóa trang không phải hành vi xấu vì vẫn có những sự kiện tại các địa điểm tôn giáo được phép hóa trang nhằm giáo dục và tái hiện lại câu chuyện trong các ấn phẩm như kinh thánh, kinh sách. Việc được hóa trang không quan trọng bằng cách thức hóa trang, để thể hiện được tinh thần lẫn hình thức của bất kỳ một hình tượng nào thì đều cần có sự đầu tư về kiến thức và chuẩn bị kỹ càng trong công đoạn tìm hiểu về nhân vật và ý nghĩa của câu chuyện đằng sau đó.
Hiện tại, nhận thức được sự phản đối trước trào lưu này, một số video đã bị xóa và khóa bình luận.