Rối loạn cương dương, xuất tinh ngược dòng, testosterone thấp, giảm ham muốn… là những triệu chứng cảnh báo bệnh tiểu đường ở nam giới.
Các triệu chứng cảnh báo bệnh tiểu đường ở cả nam và nữ giới như khát, đói quá mức; đi tiểu thường xuyên; giảm hoặc tăng cân; mệt mỏi; cáu gắt; nhìn mờ; vết thương chậm lành; buồn nôn. Ngoài ra còn có nhiễm trùng da; sạm da ở những vùng có nếp nhăn trên cơ thể; hơi thở có mùi trái cây; ngứa ran hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân.
Có một số triệu chứng cảnh báo bệnh tiểu đường chỉ gặp ở nam giới như rối loạn cương dương, xuất tinh ngược dòng, testosterone thấp, giảm ham muốn và rối loạn chức năng tình dục. Nam giới mắc bệnh tiểu đường loại hai có nguy cơ testosterone thấp gấp hai lần so với nam giới không mắc bệnh tiểu đường. Do lượng hormone testosterone thấp, nam giới có thể có gặp các triệu chứng mà không thấy ở phụ nữ mắc căn bệnh này.
Testosterone thấp: có thể làm giảm ham muốn tình dục, trầm cảm, thiếu năng lượng và giảm khối lượng cơ. Nó cũng có thể gây ra các vấn đề tình dục ở nam giới và các vấn đề về tiết niệu.
Rối loạn cương dương: là một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường ở nam giới. Nam giới mắc bệnh tiểu đường bị rối loạn cương dương ở độ tuổi sớm hơn so với người không bị căn bệnh này.
Xuất tinh ngược dòng: là triệu chứng rối loạn chức năng tình dục khác liên quan đến bệnh tiểu đường ở cánh mày râu. Xuất tinh ngược dòng là tình trạng tinh dịch đi vào bàng quang chứ không phải ra ngoài cơ thể qua niệu đạo. Bệnh tiểu đường và tổn thương các mạch máu gây ra tổn thương dây thần kinh cho các cơ kiểm soát bàng quang và niệu đạo, từ đó dẫn đến vấn đề này.
Theo tờ Medicinenet, giới tính là yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường và nam giới có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại hai cao hơn phụ nữ.
Các yếu tố nguy cơ khác phát triển căn bệnh này ở cả hai giới gồm tiền sử gia đình, sắc tộc (nguy cơ gia tăng ở người châu Á, người gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Phi), béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao. Những vấn đề như lười vận động, hút thuốc, uống quá nhiều rượu, thiếu ngủ, testosterone thấp ở nam giới cũng là yếu tố nguy cơ. Chế độ ăn uống không lành mạnh với hàm lượng calo cao hoặc có chứa đường và thiếu các chất dinh dưỡng cũng làm tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường ở cả hai giới nếu không kiểm soát tốt có thể gặp các biến chứng như huyết áp cao, bệnh tim, tổn thương dây thần kinh và bệnh thần kinh, bệnh thận, bệnh võng mạc, đột quỵ, nhiễm trùng da, bệnh mạch máu ngoại vi, nhiễm trùng nấm men.
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường
Một số loại xét nghiệm máu khác nhau được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường như:
Kiểm tra đường huyết lúc đói: sau khi nhịn ăn 12 giờ, bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu của bạn. Nếu lượng đường trong máu cao là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Xét nghiệm Hemoglobin A1C: cho bác sĩ biết mức đường huyết trung bình của bạn trong 2-3 tháng qua. Mức HbA1c bình thường là từ 4% đến 5,6%. HbA1c nằm trong khoảng từ 5,7% đến 6,4% cho thấy nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng lên. HbA1c cao hơn 6,5% cho thấy bệnh tiểu đường.
Kiểm tra lượng đường trong máu ngẫu nhiên: là xét nghiệm lượng đường trong máu của bạn tại thời điểm lấy máu. Nhưng con số này có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn lần cuối.
Xét nghiệm dung nạp glucose qua đường uống: hiếm khi được sử dụng ở nam giới nhưng nó đo phản ứng của cơ thể với một lượng lớn glucose.
Kim Uyên
(Theo Medicinenet)