Các chòm sao mùa hè là các chòm sao quan sát tốt nhất trên bầu trời buổi tối từ cuối tháng 6 đến tháng 9 ở Bắc bán cầu, và từ tháng 12 đến cuối tháng 3 ở Nam bán cầu.
Đối với người quan sát ở Bắc bán cầu, các chòm sao sẽ ngự trị bầu trời mùa hè bao gồm ba chòm sao sở hữu ba sao rất sáng, hình thành nên Tam giác Mùa hè– Thiên Ưng, Thiên Nga và Thiên Cầm, cùng với chòm sao Hoàng đạo Cung Thủ, Thiên Yết và Xà Phu.
Thiên Ưng, Thiên Cầm và Thiên Nga
Thiên Ưng (Aquila) và Thiên Nga (Cygnus), chim đại bàng và chim thiên nga trên bầu trời, lên rất cao trong các buổi tối mùa hè và dường như đang nhìn về phía nhau. Thiên Ưng chứa sao Altair, một trong những sao nằm gần Trái Đất nhất có thể thấy bằng mắt thường, cách chúng ta chỉ 17 năm ánh sáng. Altair, cùng với sao Deneb của chòm Thiên Nga và Vega của chòm Thiên Cầm, hình thành nên Tam giác Mùa hè, một mảng sao rất sáng.
Thiên Nga là một trong những chòm sao nổi bật nhất trong mùa hè. Các ngôi sao sáng nhất của chòm tạo thành một mảng sao được gọi là Bắc thập tự, rất dễ nhận diện trong các buổi tối mùa hè. Deneb, ngôi sao sáng nhất của chòm và cũng là một trong những sao sáng nhất trên bán thiên cầu Bắc, đánh dấu đuôi của Thiên Nga. Đó là sao cấp I nằm ở xa Trái Đất nhất, cách chúng ta khoảng 3550 năm ánh sáng.
Thiên Nga cũng sở hữu nhiều sao nổi bật khác. Albireo, hay Beta Cygni, là một hệ sao đôi rất được các nhà thiên văn nghiệp dư yêu thích do có màu sắc tương phản. Sao này đánh dấu đầu Thiên Nga và thỉnh thoảng được gọi là “ngôi sao mỏ chim”. Tiếp đến, sao Sadr, hay Gamma Cygni, nằm ở trung tâm của Thập tự bắc và đánh dấu ngực con chim Thiên Nga. Ngôi sao này được vây quanh bởi một tinh vân khuếch tán mang số hiệu IC 1318, thường được gọi là vùng Sadr (vùng Gamma Cygni).
Các vật thể sâu đầy thú vị nằm trong chòm Thiên Nga bao gồm nguồn phát tia X Thiên Nga X-1, hai cụm sao mở Messier 29 và Messier 30, Thiên hà Pháo hoa, và một số tinh vân nổi bật khác: Tinh vân Bồ nông, Tinh vân Lưỡi liềm và Tinh vân Mạng che.
Thiên Cầm, là chòm sao nhỏ tọa lạc giữa các chòm Thiên Nga, Vũ Tiên (Hercules) và Thiên Long (Draco). Chòm này rất dễ nhận dạng nhờ hình dạng giống hình bình hành.
Chòm sao này là nhà của sao Vega, ngôi sao sáng thứ 5 trên bầu trời đêm, và cũng là nhà của hai ngôi sao nổi tiếng khác. Sheliak, hay Beta Lyrae, là ngôi sao đầu tiên thuộc dòng các ngôi sao biến quang kiểu Beta Lyrae, một lớp các ngôi sao nhị phân nằm gần nhau đến mức vật chất từ sao này chảy sang sao kia và các sao đều trở thành những vật thể có hình dạng giống quả trứng. Epsilon Lyrae, với biệt danh là sao Đôi Đôi, bao gồm hai hệ sao nhị phân quay quanh nhau. Nằm gần sao Vega, hệ này là mục tiêu quan sát phổ biến với các nhà thiên văn nghiệp dư.
Các thiên thể sâu nổi tiếng nhất trong chòm Thiên Cầm là cụm sao cầu Messier 56, Tinh vân Chiếc nhẫn trứ danh (Messier 57), bộ ba thiên hà đang sáp nhập NGC 6745, và cụm sao mở NGC 6791.
Vũ Tiên
Vũ Tiên (Hercules) là chòm sao lớn thứ 5 trên bầu trời nhưng lại không có bất kì sao sáng cấp I hoặc cấp II nào. Khá dễ dàng nhận dạng được chòm sao này bởi một số sao của chòm hợp thành hình Đá đỉnh vòm (Keystone), một mảng sao sáng của mùa hè, đại diện cho thân người của chàng dũng sĩ Hercules. Chòm sao khắc họa hình ảnh Hercules đứng trên đầu của Ladon, con rồng thần thoại đã bị chàng đánh bại trong loạt 12 chiến công. Con rồng này chính là chòm sao Thiên Long (Draco) nằm ngay bên cạnh.
Vũ Tiên sở hữu hai thiên thể Messier: đầu tiên là cụm sao cầu Hercules (Messier 13) và Messier 92 nhỏ hơn, dày đặc hơn và tối hơn đôi chút – một trong những cụm sao già nhất được biết đến trong Ngân Hà. Chòm sao này cũng chứa Cụm thiên hà Hercules, với khoảng 200 thành viên, trong đó có cặp thiên hà tương tác Arp 272 (NGC 6050 và IC 1179), cùng với thiên hà hoạt động Hercules A.
Cung Thủ và Thiên Yết
Hai chòm sao Hoàng đạo Thiên Yết và Cung Thủ có thể thấy ở phía trên đường chân trời phía Nam vào mùa hè.
Cung Thủ (Sagittarius) nằm trong số những chòm sao nổi bật nhất của bầu trời mùa hè. Dễ dàng nhận dạng được nó nhờ mảng sao Ấm trà (Teapot), hình thành từ những vì sao sáng nhất của chòm. Nằm trong Dải Ngân hà, chòm sao này là bến đỗ cho rất nhiều thiên thể sâu tiêu biểu. Đầu tiên là nguồn phát sóng vô tuyến Sagittarius A, được cho là đánh dấu vùng trung tâm của Ngân Hà. Kế đến là Thiên hà lùn Elip Sagittarius, Thiên hà Barnard, Cụm sao Quintuplet, Tinh vân Pistol với sao sáng Pistol, Cụm sao Arches, và tổng cộng 15 thiên thể Messier, trong số đó có Tinh vân Đầm nước (M8), Tinh vân Chẽ ba (M20), Tinh vân Omega (M17), Đám mây sao Sagittarius (M24), và Cụm sao Sagittarius (M22).
Chòm sao hàng xóm Thiên Yết (Scorpius – Con bọ cạp) là nhà của nhiều sao và thiên thể sâu thú vị. Hai ngôi sao sáng nhất của chòm, Antares và Shaula, nằm trong số những sao sáng nhất trên bầu trời. Antares đánh dấu trái tim của con bọ cạp, trong khi đó Shaula là một trong hai sao nằm ở chóp đuôi.
Có 4 thiên thể Messier trong chòm sao này, bao gồm Cụm sao cầu Messier 4 và Messier 80, Cụm sao mở Messier 6 (Cụm sao Cánh bướm) và Messier 7 (Cụm sao Ptolemy). Chòm sao này còn chứa Tinh vân Bướm (hay Tinh vân Con bọ, NGC 6302), Tinh vân Chân mèo (NGC 6334), Cụm sao Hộp châu báu phương Bắc (NGC 6231) và Tinh vân Chiến tranh & Hòa bình (NGC 6357).
Xà Phu
Xà Phu (Ophiuchus – Người cầm rắn) là chòm sao lớn thứ 11 trên bầu trời. Khắc họa hình ảnh vị thần y khoa Asclepius đang giữ một con rắn (chòm sao Cự Xà-Serpens), Xà Phu cũng là nơi cư ngụ của nhiều sao và thiên thể sâu thú vị.
Rasalhague, ngôi sao sáng nhất của chòm, đánh dấu đầu của vị thần. Ngôi sao Barnard, đứng thứ tư trong số các sao nằm gần Mặt Trời nhất, chỉ sau ba vì sao trong hệ Alpha Centauri. Ngôi sao này chỉ cách chúng ta 5,96 năm ánh sáng, nhưng quá mờ để thấy được bằng mắt thường. Siêu tân tinh của Kepler (SN 1604) là tàn dư của siêu tân tinh nổi tiếng đã được quan sát vào năm 1604; vào thời kì cực điểm, nó xuất hiện như một ngôi sao sáng nhất trên bầu trời.
Xà Phu có chứa Tinh vân Luồng khí đôi (hay còn gọi là Cánh bướm của Minkowski) và tinh vân tối lớn Barnard 68, cùng với Tinh vân Ngựa tối (Dark Horse), trong đó có chứa Tinh vân Đường ống và Tinh vân Rắn nhỏ hơn. Chòm sao này còn sở hữu nhiều cụm sao cầu sáng được Charles Messier đưa vào danh mục: Messier 9, Messier 10, Messier 12, Messier 14, Messier 19, Messier 62 và Messier 107.
Earthgrazer – Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS)
Lược dịch từ Constellation-guide